Người nối những nhịp cầu vui

Gần 17 năm nay, bà cụ “mê làm từ thiện” Nguyễn Thị Đức đã âm thầm lo từng bữa ăn, chén gạo cho người nghèo. Bà còn vận động các mạnh thường quân chung tay góp sức làm 11 cây cầu cho bà con khắp các tỉnh miền Tây. Gần 80 tuổi nhưng nói chuyện đi làm từ thiện, bà vui hẳn lên. Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt phúc hậu, bà lần giở những bức ảnh khoe những cây cầu vừa mới xây xong.

“Bà già dài tay”

Hơn bốn tấn gạo cho người nghèo phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) mỗi năm; 2,5 triệu đồng giúp đỡ cho dân nghèo trong chợ Thủ Đức định kỳ hàng tháng; hai tháng một lần lại có một bữa ăn đủ món cho bệnh nhân tâm thần Bệnh viện Thủ Đức; dăm ba tháng lại phát gạo, phát mền cho bà con miền Tây khó khăn... Cùng với mấy bà cụ trong chợ Thủ Đức, nhóm từ thiện Như Đức do cụ làm trưởng nhóm 17 năm qua đã đi rất nhiều nơi giúp đỡ cho bà con nông thôn vùng sâu gặp khó khăn.

Căn nhà ở đường Đoàn Công Hớn, (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) của cụ đã trở thành “tổng hành dinh từ thiện” để bà con trong chợ mỗi khi có khó khăn lại tìm đến. Chị Nguyễn Thị Thiên Hương, con gái bà Đức, kể: “Tiền các con cho má không tiêu xài gì cả, cứ gom hết mà làm từ thiện. Mua từng trái cam, trái quýt, má cân đo đong đếm từng xu nhưng bỏ tiền giúp người nghèo má chẳng nề hà gì!”. Nghe con gái nói thế, cụ Đức cười móm mém: “Mình già rồi, ăn tiêu chi cũng thế, một đồng cũng giúp được người nghèo qua cơn nguy khốn. Mà một mình tui thì chẳng thể làm được gì. Nhiều chị em cùng phụ với tui đó”.

Nghe tin tại một làng ở Đức Trọng, Lâm Đồng, trẻ em không có nhà trẻ, thế là “những bà già dài tay”, theo cách nói của cụ Đức, lặn lội lên tận nơi xây trường cho trẻ. Khi biết Quỹ “Ước mơ của Thúy” được thành lập để giúp các bệnh nhân ung thư, bà cụ lại lụi cụi tích góp mỗi tháng năm trăm nghìn đồng. Cụ trầm ngâm kể: “Ông nhà tôi cũng mất vì ung thư nên tui biết khó khăn của người nhà khi có người thân bị bệnh. Túng bấn lắm cậu ạ...!”. Toàn bộ tiền phúng điếu trong đám tang cụ ông đã được cụ bà đóng góp vào Quỹ “Ước mơ của Thúy”.

Bà “cầu” của dân nghèo

Cụ kể: “Hồi cơn bão số 9 càn quét các tỉnh miền Tây, tụi tui toàn những bà già thấy xót quá, xuống tận nơi phát gạo, mì, mùng, mền giúp bà con. Xuống dưới, đi qua mấy cái cầu khỉ gập ghềnh, tui sợ quá nên nghĩ phải giúp bà con mình có cái cầu đi cho an toàn”. Và một cây cầu bê-tông đã hình thành từ ý tưởng này.

Có lần đi qua xã Hòa Lợi (Giồng Riềng, Kiên Giang), cụ Đức nhìn thấy cảnh các em nhỏ áo trắng, quần xanh phải xăn quần quá đầu gối, cặp đội trên đầu chèo ghe đến trường. Ngôi trường nhỏ xíu, nằm như một ốc đảo giữa xã nên muốn vào, các em phải lội nước một đoạn mới đến được lớp. Thế là cụ quyết định xây một cái cầu cho “Con nít đi học đỡ cực”. “Tiền đâu mà xây?”. Có ngay, “mạnh thường quân” là... các con của cụ Đức. “Má nói là làm. Má muốn thì các con phải giúp vì biết việc má làm là đúng mà” - chị Hương cười vui. Vậy là cây cầu Bảng Cầu sau gần sáu tháng cũng được xây xong với tổng giá trị gần 40 triệu đồng. Ngày khánh thành, dù trời mưa cụ cũng lặn lội đến tận nơi nhìn cây cầu mới, nhìn đám con nít chạy nhảy vui vẻ qua cầu.

Nghe tin một phụ nữ mang bầu chẳng may bị chìm xuồng chết tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, cụ Đức thương tâm, quyết định làm một cây cầu bê-tông nữa. Cây cầu bê-tông chắc chắn được xây bằng 60 triệu đồng mà cụ Đức huy động được cuối cùng cũng đã xong. Nhưng lần này cụ lại bị mổ khớp gối, khó mà xuống được tận nơi để khánh thành cây cầu. “Tui chỉ muốn đến để chia vui với bà con. Cuối cùng, thằng con út chiều lòng mẹ, phải theo xe để bồng mẹ lên xuống chia vui với bà con” - cụ cười vui nhớ lại.

Câu chuyện bà cụ già 78 tuổi và nhóm Như Đức hay xây cầu cho dân cứ thế lan rộng khắp nơi. Một phụ huynh ở ấp 9, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, Kiên Giang gửi thư trực tiếp đến bà cụ: “Trường chúng tôi có 200 học sinh nhưng đường giao thông đến trường hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Con chúng tôi muốn vào trường học phải đi đò và lội nước vào, khi mùa nước lên rất nguy hiểm đến tính mạng các cháu. Chúng tôi tha thiết mong có một cây cầu để các cháu đến trường...”. Chẳng mấy chốc, nguyện vọng của những người dân nghèo đã thành hiện thực.

Từ khi cây cầu đầu tiên được xây đến nay, cụ Đức đã bỏ vốn xây gần 10 cây cầu (sau cây cầu ở Kiên Giang, hai cây cầu ở Cần Thơ và ba cây cầu ở Đồng Tháp). Những lần xây cầu sau, bên cạnh cụ Đức còn có những bà cụ “dài tay” trong nhóm Như Đức góp sức, góp của. Những cây cầu giúp trẻ nhỏ đến trường, những cây cầu gần chợ cho bà con dễ dàng đi lại, mua bán...

Hiện giờ sức khỏe cụ đã yếu, không còn “đi suốt” để làm từ thiện như trước nên với cụ chỉ mong một điều duy nhất: “Truyền niềm phúc giúp người nghèo cho các con”.

KIM - LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm