“TÍN DỤNG ĐEN”: KIỂU NÀO CŨNG CHẾT!

Nhiều chiêu “tín dụng đen”

Mất cảnh giác trước lãi suất khủng, nhiều gia đình trở nên trắng tay bởi “con nợ”.

Trong các chiêu trò huy động vốn lãi suất cao, các con nợ thường phủ cho mình một vỏ bọc vô cùng hào nhoáng, tiền bạc với họ chỉ là... cái đinh, đi vay nợ mà không khác chi làm từ thiện. Vẻ bề ngoài lấp lánh ấy như một ma lực hút các chủ nợ lao vào vòng xoáy “tín dụng đen” không khác những con thiêu thân.

Giàu ảo

Câu chuyện về sự xa hoa của Nguyễn Thị Cúc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thì chắc đến công tử Bạc Liêu có sống dậy cũng phải tôn làm sư phụ. Theo lời đồn đại thì cuộc sống của Cúc hệt một bà hoàng. Vợ chồng Cúc có cả đống ô tô, xe máy, đến nỗi phải mua đất hàng xóm để làm bãi đỗ xe. Cúc có nhiều tiền đến mức phải chở về nhà bằng ô tô. Vàng, trang sức của Cúc phải chứa cả trong tủ quần áo, khi mở cửa thì chúng tràn cả ra ngoài.

Một bữa ăn tối của Cúc có lúc mất đứt 33 triệu đồng. Không những tặng ô tô, xe máy cho họ hàng, Cúc còn không tiếc tiền chăm lo cho cư dân địa phương. Xóm làm đường bê tông, Cúc chi 100 triệu đồng. Làm đường xong, Cúc tổ chức liên hoan cho cả làng ăn uống linh đình. Tết Trung thu, Cúc thuê nguyên đoàn quan họ từ Bắc Ninh về phục vụ người dân. Có hôm chở tiền về nhà, bao tải tiền rớt xuống và hàng xóm bê giúp, Cúc cho luôn người này 1 triệu đồng... uống nước.

Mức lãi suất 3.000-5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (cao điểm lên tới 7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày) khiến nhiều người quên tự hỏi sao gia đình vợ làm thợ may, chồng chở vật liệu xây dựng ngày nào nay lại giàu nhanh đến vậy. Họ kéo đến cho Cúc vay tiền, không cần thế chấp. Ai vớ vẩn tỏ ý muốn chồng Cúc ký tên vào giấy biên nhận là Cúc bắt mang tiền về ngay. Với họ, được Cúc nhận tiền vay giống như vừa được ban một ân huệ.

Mánh khóe huy động vốn thì có nhiều cách nhưng nhìn chung, các con nợ luôn làm cho mình trở nên thật hoàn hảo về mặt hình thức. Họ di chuyển trên những phương tiện đắt tiền, lui tới những chỗ cao sang, tiền vung như nước, vàng dát trên người.

Mác doanh nhân thành đạt

Ngoài việc tự vẽ ra hình ảnh bản thân là người giàu có, con nợ còn đóng cho mình mác doanh nhân thành đạt để dễ bề hấp dẫn con mồi. Nguyễn Thị Tuyết Mai (quận 6, TP.HCM) đã áp dụng hiệu quả phương thức này. Với mác giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên dịch vụ kế toán, tư vấn thuế và dịch vụ nhà đất, Mai đã vay được tiền của khá nhiều người với mức lãi suất hứa hẹn là 3,5%-10%/tháng. Quá tin tưởng bà giám đốc, nhiều người gom góp hết tài sản tích cóp để đưa tiền cho Mai, người nhẹ cũng 100 triệu đồng, nặng thì lên đến 8 tỉ đồng.

Với cư dân thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), đôi vợ chồng trẻ Bùi Thị Quyên - Tạ Việt Quang đúng là một hiện tượng. Vài năm trước, Quang chỉ quanh quẩn với chiếc xe lam chở đá bán cho người ta, còn Quyên ở nhà bán hoa. Đùng một cái, họ đã tạo lập cơ ngơi bề thế gồm một tiệm vàng, hai salon trưng bày ô tô cùng một công ty chuyên kinh doanh du lịch, mua bán các loại xe ô tô. Uy tín của họ càng phát triển khi Quang giữ chức phó chủ tịch của hội doanh nghiệp trẻ. Với sự thành đạt ấy, nhiều người ùn ùn tìm đến Quang - Quyên để cho vay nhằm hưởng lãi suất khủng. Họ mù quáng nhìn vào hiện thực ảo của vợ chồng Quang - Quyên mà quên tìm hiểu thực chất hiệu quả hoạt động kinh doanh của đôi vợ chồng này.

Những ngày qua, hàng xóm của Phạm Thị Chinh (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết choáng váng trước vụ vỡ nợ lên đến 600 tỉ đồng liên quan đến Chinh. Trong mắt họ, Chinh là nữ doanh nhân trẻ tuổi thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh vàng, bất động sản, chứng khoán, có cửa hàng vàng bạc riêng. Cô đi ô tô đắt tiền, chi tiêu đúng phong cách của một đại gia. Nữ doanh nhân có tài giao tiếp lịch thiệp, ăn nói ngọt như mía lùi ấy đã khiến nhiều người đổ xô đến cho vay lấy lãi 9%, thậm chí 14%-15%/tháng.

Thế nhưng lãi suất theo hứa hẹn của Chinh vẫn chưa hấp dẫn bằng lãi suất 20%-30%/tháng của Dương Thị Thúy Hà (Đồng Hới, Quảng Bình). Để tạo niềm tin, bà chủ doanh nghiệp Hải Hà này thường nói lời ngon ngọt, tặng quà, dẫn các chủ nợ đi mua sắm... Lóa mắt trước siêu lợi nhuận, nhiều người còn vay ngân hàng để lấy tiền cho Hà vay lại nhằm tìm kiếm khoản tiền chênh lệch về lãi suất.

Mật ngọt chức vụ, ăn theo ngân hàng

Lợi dụng chức tước để phô trương thân thế, biến địa vị thành thứ mật ngọt hòng chiêu dụ các chủ nợ ham lãi suất cao cũng là một chiêu cực kỳ lợi hại của các con nợ. Ngô Thi Ngọc Thơ (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là một điển hình của chiêu thức này. Với danh tiếng của chồng là chi cục trưởng Thi hành án quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), Thơ luôn nhắc đến vị trí của chồng trong những lần giao dịch vay tiền. Chỉ trong thời gian ngắn, Thơ đã quơ được hàng chục tỉ đồng của dân nghèo.

Ở thành phố Nha Trang, nhiều người nghèo cũng đã ngất xỉu khi con nợ chức cao quyền lớn của mình bỗng dưng tuyên bố mất khả năng trả nợ. Đến nay, mọi người còn nhắc mãi tên của nguyên chủ tịch UBND phường Vạn Thạnh Huỳnh Thị Minh Nguyệt. Bà Nguyệt luôn ra rả mình làm ăn lớn, có uy tín. Cộng thêm mác cán bộ nhà nước, bà đã thu được 4 tỉ đồng tiền vay. Lợi dụng danh nghĩa phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường của chồng, bà Hồ Thị Chín cũng gom được 8 tỉ đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân nghèo rồi tuyên bố... vỡ nợ.

Hòa cùng cơn bão vỡ nợ “tín dụng đen” thời gian qua còn có sự góp mặt của những người đang công tác trong ngành ngân hàng. Là phó phòng kế toán của Chi nhánh Ngân hàng Sài Gòn Công Thương tại Đà Nẵng, Nguyễn Thùy Hương đã dụ được 18 cá nhân ở Đà Nẵng cho vay tổng cộng 20 tỉ đồng. Võ Như Vũ, cán bộ tín dụng thuộc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cũng đã bỏ trốn sau khi vay được hơn 4 tỉ đồng của người dân đến vay tại ngân hàng. Nguyễn Hữu Quang, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), vỡ nợ hàng chục tỉ đồng cũng với phương thức huy động vốn, lãi suất 3%-6%/ngày.

Cũng vì xuất phát từ tâm lý hám lợi, các chủ nợ vung tiền cho vay mà thiếu bình tĩnh suy nghĩ xem liệu đồng lương cán bộ nhà nước có đủ để thanh toán những khoản lãi khủng vượt xa lãi suất ngân hàng. Tương tự, cán bộ ngân hàng dù có tiếp xúc với những bao tải tiền, dù mỗi ngày có đếm tiền mệt nghỉ thì đồng tiền ấy cũng không thuộc quyền sở hữu của cá nhân họ.

Tỉnh mộng làm giàu

Bằng chiêu thức huy động vốn lãi suất cao, con nợ xây dựng cuộc sống xa hoa bằng chính đồng tiền tích cóp từ mồ hôi nước mắt của các chủ nợ. Để trả lãi cho các khoản vay trước, con nợ luôn cố gắng tìm kiếm nguồn tiền từ các chủ nợ mới. Nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con. Tiền lãi phải trả ngày càng chồng chất trong khi khả năng vay vốn thì hữu hạn. Vỡ nợ là hậu quả tất yếu!

Các vụ vỡ nợ liên tiếp gần đây cho thấy giao dịch vay tiền được các bên thiết lập cực kỳ đơn giản. Giấy biên nhận vay tiền có nội dung sơ sài, bôi xóa tứ tung, thậm chí chỉ ghi loằng ngoằng ngày tháng, con số mà không hề có tên các bên trong giao dịch.

Tuy nhiên, sự thật đau lòng là dầu có kỹ càng trong khâu ký cọt thì chuyện thu hồi vốn e thật xa vời. Bởi mớ tài sản hào nhoáng mà con nợ vẽ ra cho thiên hạ thấy thực chất đã bị thế chấp đầu nọ, chuyển nhượng đầu kia. Con nợ đã xoay trở mọi cách để đắp nợ, chịu hết xiết thì mới tuyên bố vỡ nợ. Thế nên dù có khởi kiện vụ án dân sự ra tòa và thắng kiện đi nữa thì chẳng biết con nợ moi tài sản ở đâu ra mà thi hành án.

Niềm tin mù quáng cùng mộng làm giàu chóng vánh đang biến nhiều gia đình trở nên trắng tay.

MINH ANH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm