Những người 'giúp' 2 tử tù trốn thoát bị xử sao?

Nhiều Luật sư (LS) có chung ý kiến khi nhận định về trách nhiệm của những cá nhân liên quan đến việc trốn chạy của hai tử tù Lê Văn Thọ (còn gọi là Thọ “sứt”) và Nguyễn Văn Tình khỏi trại giam T16- Bộ Công an.

Cán bộ trại giam bị xử lý

LS Đặng Thành Trí – Đoàn LS TP.HCM cho biết, trách nhiệm của Cán bộ quản lý phạm nhân, tùy theo tính chất mức độ sai phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật theo qui định của ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định về chế độ giam, giữ và để cho người bị giam, giữ trốn; tức: cán bộ không tuân thủ chế độ phân công trực, không kiểm tra các vật dụng sinh hoạt để phạm nhân mang vào các công cụ phá khoá... thì bị xem xét xử lý tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn theo Điều 301 BLHS.

Hai tử tù vượt ngục. Ảnh: CA

Nếu Cán bộ quản lý đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm đúng theo quy định về chế độ giam giữ phạm nhân nhưng phạm nhân vẫn trốn được thì không phạm tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn như nêu trên.

Đặc biệt, trường hợp cán bộ quản lý giúp sức cho các phạm nhân bỏ trốn thì chịu trách nhiệm đồng phạm về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử được quy định tại Điều 311 BLHS nêu trên.

Không những vậy, nếu cán bộ quản lý nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của phạm nhân hoặc người khác để giúp phạm nhân bỏ trốn thì bị truy cứu thêm tội nhận hối lộ quy định tại Điều 279 BLHS.

Riêng với trách nhiệm liên đới của một số người thân giúp sức cho hai tử tù trốn chạy; trong đó có chú và anh họ của Tình, người yêu Thọ thì theo LS Đoàn Văn Nên – Đoàn LS TP.HCM, họ đã có hành vi giúp sức cho các tử tù này trốn chạy khỏi sự truy nã của cơ quan công an.

Những người giúp sức thì chưa chắc

LS Nên cho rằng, hành vi của những người thân của Tình được mô tả là cho mượn xe, cho mượn tiền; có dấu hiệu của tội Che giấu tội phạm theo Điều 21 và Điều 313 BLHS; làm cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội là các tử tù.

Đối với hành vi của người yêu Thọ được mô tả là gặp gỡ Thọ 2 lần. Điều 22 BLHS quy định rằng “Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này”.

Trường hợp điều tra phát hiện người yêu của Thọ còn có hành vi giúp sức cho việc bỏ trốn này thì có thể bị xem là cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội là các tử tù và sẽ bị xem xét truy cứu theo điều 313 BLHS về tội Che dấu tội phạm với khung hình phạt cao hơn.

Tuy nhiên, LS Nên cũng phân tích, nếu người yêu Thọ là người cung cấp thông tin cho cơ quan công an để giúp sức truy bắt Thọ thì trong trường hợp này, cô ấy sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

Phân tích kỹ hơn, luật sư Lê Quang Vũ (Văn phòng Luật sư Người Nghèo) nói: Để xử lý những người có hành vi đưa tiền, cho mượn xe, mua sim điện thoại... về tội che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm thì cơ quan tố tụng phải khởi tố hai tử tù theo Khoản 2 của tội trốn khỏi nơi giam giữ (phạm tội có tổ chức).
"Hai tử tù bị giam chung phòng, họ đã có sự trao đổi, bàn bạc, phân công việc khoét tường, mở cùm... để thoát khỏi nơi giam. Hành vi khoét tường được thực hiện trong thời gian dài mà không bị phát hiện nên khó có thể chứng minh là họ không bàn bạc mà che giấu được hành vi này. Vì vậy nói họ không bàn bạc, không phân công... rất khó thuyết phục", luật sư Vũ nói thêm.
Luật sư Vũ cho rằng cơ quan công an phải chứng minh hai người này bàn bạc, lên kế hoạch, vai trò của từng người để cùng thực hiện các hành vi để bỏ trốn thành công mới có căn cứ khởi tố hai tử tù theo khoản 2 về tội trốn khỏi nơi giam. Lúc ấy cơ quan chức năng mới có căn cứ xử lý những người liên quan về tội không tố giác tội phạm.

Ngược lại, có luật sư lại cho rằng trong vụ án này, hành vi trốn khỏi nơi giam của hai tử tù chỉ thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn, không thỏa mãn dấu hiệu phạm tội có tổ chức. Khi hành vi phạm tội của hai tử tù không thuộc trường hợp phạm tội theo Khoản 2 Điều 311 BLHS thì những người giúp cho hai tử tù trên đường chạy trốn cũng không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chánh.

Ngày 10-9, hai tử tù Lê Văn Thọ (còn gọi là Thọ “sứt”) và Nguyễn Văn Tình đã phá cùm, khoét tường trốn khỏi trại giam T16- Bộ Công an. Đến ngày 16-9 thì cả hai đối tượng này đều bị bắt. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm