Nói không trúng... luật!

Gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh chuyện vì năng lực có hạn, nhiều hội thẩm nhân dân khi xử án đã hỏi vòng vo tam quốc, bới móc, hỏi như kết tội bị cáo, thẩm vấn mà lại giảng đạo đức... Chưa dừng lại đó, không ít hội thẩm còn hỏi sai cả kiến thức luật.

Năm trước, TAND quận 12 (TP.HCM) xử bị cáo H. về tội lừa đảo. Cáo trạng truy tố H. ở khoản 2 điều luật với khung hình phạt cao nhất là bảy năm tù. Thấy H. chối tội, hội thẩm nói: “Bị cáo bị truy tố đến bảy năm, đây là tội phạm rất nghiêm trọng. Lẽ ra phải ăn năn hối cải thì bị cáo ngoan cố, làm sao tòa giảm án?”.

Sai một ly...

Về khái niệm pháp lý, hội thẩm đã nhầm giữa tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Theo quy định, tội phạm nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến bảy năm tù, còn tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù.

Trường hợp khác xảy ra ở TAND huyện Bến Lức (Long An) hồi giữa năm. Viện truy tố K. về tội vô ý làm chết người. Thẩm vấn, không hiểu nhầm lẫn thế nào, hội thẩm lại luôn đề cập đến tội giết người. Hội thẩm hỏi: “Bị cáo có ý thức được hành vi của mình là giết người không? Bị cáo phải biết rằng giết người là bị phạt nặng”... Một lúc, chủ tọa phải quay sang “bỏ nhỏ” hội thẩm về việc lẫn lộn này bởi theo luật đây là hai tội khác nhau hoàn toàn.

“Phản” nào cũng là “phản”!?

Mới đây, TAND TP.HCM xử vụ bị cáo L. cố ý gây thương tích. Tại tòa, L. phản cung rằng mình bị điều tra viên ép cung. Hội thẩm: “Bị cáo có gì để chứng minh cho phần phản tố của mình?”. Chủ tọa giật mình nhưng nhanh trí, ông lặp lại câu hỏi: “Hội thẩm bảo bị cáo có gì chứng minh cho phần vừa phản cung không”?

Sau phiên xử, chủ tọa đùa với hội thẩm: “Ông dùng từ lạ quá!”. Thật vậy, từ phản tố dùng trong tranh chấp dân sự, còn phản cung là cách gọi thông thường trong trường hợp bị cáo phủ nhận lời khai trước đó trong án hình sự.

Luật một đường, nói một nẻo

Cách đây không lâu, TAND TP.HCM xử một vụ cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Tại tòa, bị cáo cho rằng mình đánh người vì nạn nhân trêu tức, trong khi bị cáo vốn nóng tính, bị kích động chịu không được. Hội thẩm gật gù: “Nếu thế thì bị cáo phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo đấy”!

Thật ra lời của hội thẩm sẽ đúng chỉ khi tình tiết này chưa được xác định là tình tiết định tội, định khung. Ở đây, nó đã được xem là tình tiết định tội nên không còn được xem là tình tiết giảm nhẹ nữa. Tức là hội thẩm nói sai luật! May mà sơ sót này sau đó đã không xuất hiện trong bản án.

Vụ khác, đầu năm 2006, trong phiên xử một vụ cố ý gây thương tích tại TAND quận 7 (TP.HCM), nạn nhân yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về thuốc men, viện phí và tiền nạn nhân thuê người chăm sóc mình khi nằm viện. Một hội thẩm ngạc nhiên: “Khoản đó làm sao mà được bồi thường? Luật đâu có quy định?”. Nạn nhân nằng nặc: “Phải trả cho tui!”. Lúc này, chủ tọa vội phân giải: “Luật có quy định nhưng tòa phải xem xét xem đó có là chi phí hợp lý hay không”...

Phải có thời gian...

Trong một hội nghị tập huấn về công tác hội thẩm nhân dân mới đây ở Bình Dương, nhiều hội thẩm thừa nhận ít có thời gian nghiên cứu hồ sơ. Có người ỷ lại vào thẩm phán, có người thì kiêm nhiệm nhiều việc, có lúc thì tòa mời hội thẩm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, thay thế hội thẩm khác bận đột xuất nên chỉ xuất hiện ở “phút 89”... Do vậy, không ít ý kiến đề nghị các hội thẩm chú tâm hơn nữa vào công tác này, còn phía tòa thì phải lên kế hoạch trước để hội thẩm có thời gian nghiên cứu hồ sơ kỹ hơn.

Theo Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Chu Hải Thanh, cũng cần coi lại cách nghiên cứu hồ sơ của hội thẩm. Lâu nay, không ít vị chỉ đọc lướt qua cáo trạng rồi ra ngồi xử. Như vậy là rất phiến diện bởi cáo trạng được viết theo ý chí buộc tội của phía công tố. Hội thẩm chỉ đọc nó sẽ không thể thấy hết được các vấn đề khác nên xảy ra chuyện hỏi như kết tội bị cáo cũng không có gì lạ.

Một hội thẩm TAND tỉnh Bình Dương đề nghị phía tòa án nên mở nhiều lớp tập huấn về công tác hội thẩm nhằm trang bị kiến thức pháp luật, kinh nghiệm xử án cho hội thẩm. Tiến sĩ Chu Hải Thanh nhìn nhận hiện chưa có trường lớp nào để đào tạo hội thẩm. Sách vở về công tác hội thẩm cũng chưa có mà hội thẩm ngồi xử chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, rất đáng lo! Do vậy, việc quan tâm tập huấn kỹ năng xét xử, kiến thức luật cho các hội thẩm là rất quan trọng.

Nhầm trong cả án dân sự

Mới đây, TAND quận 9 (TP.HCM) xử một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà. Trước đó bên mua đặt cọc năm lượng vàng, thỏa thuận nếu vì điều kiện khách quan mà hợp đồng đổ vỡ thì bên bán trả lại. Sau đó, hợp đồng bị ngưng vì gặp rắc rối giấy tờ, bên mua đòi lại tiền cọc thì bên bán không chịu.

Một hội thẩm nhận xét theo quy luật mua bán, bên mua không tiếp tục hợp đồng là mất cọc. Bên mua cãi: “Chúng tôi đã thỏa thuận là trả lại nếu có vướng mắc khách quan”. Hội thẩm phán ngay: “Chuyện thường lệ vậy rồi”! Nghe thế, chủ tọa vội xen vào: “Có lẽ hội thẩm nhầm, luật cho phép hai bên thỏa thuận và tòa phải tôn trọng. Vấn đề là phải xem hợp đồng bị ngưng có phải do điều kiện khách quan hay không”.

Cách đây chưa lâu, một hội thẩm TAND huyện Tân Uyên (Bình Dương) cũng mắc sai sót tương tự. Trong một vụ chia thừa kế, một bên bảo mình có công bảo quản di sản nên phải được hưởng 2/3, bên kia đòi chia đôi. Hội thẩm liền bảo: “Người ta có công thì phải chia như vậy chứ”. Sau đó, chủ tọa phải giải thích: Người thừa kế theo pháp luật cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Dù vậy, tòa sẽ xem xét công sức của người bảo quản di sản để phía bên kia hoàn trả chi phí...

PHAN GIA HI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm