Phá lò nấu cao hổ ngay trong thành phố

ôm qua (4-9), Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm chức vụ và trật tự kinh tế Hà Nội (PC15) và Bộ Công an đã phát hiện một “lò” nấu cao hổ cốt ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Theo đánh giá của Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là đường dây “sản xuất và tiêu thụ” cao hổ cốt lớn nhất từ trước đến nay.

“Hàng hiếm” đầy nhà

Khi công an ập vào phòng 103B nhà B5, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, có hai người đang chuẩn bị lọc da, lấy xương từ một phần thân hổ để nấu cao. Cạnh đó là ba tảng thịt hổ (mỗi miếng nặng khoảng 40 kg) còn nguyên cả lông, da cùng một đầu hổ có đầy đủ răng bị vứt trên nền nhà. Một con hổ khác (nặng khoảng 250 kg) đã được xẻ làm đôi đang nằm chật kín trong thùng lạnh. Trong tủ lạnh còn chứa nhiều miếng tay gấu và một mẹt đựng các miếng cao đã được chia lạng. Trong thùng lạnh thứ hai có một bộ da hổ còn nguyên và hai chiếc đĩa to đựng đầy... óc và một cặp mắt hổ. Bên ngoài căn hộ, ngay trên khu vực sân tập thể là hai nồi nhôm cỡ 100 lít chứa đầy xương khỉ đang sôi sùng sục (dùng để chế thêm vào nồi cao hổ).

Phá lò nấu cao hổ ngay trong thành phố ảnh 1
Hai miếng da hổ cất trong nhà tắm. Ảnh: TN

Trong căn phòng kế bên (thông với phòng 103B), công an phát hiện bốn chiếc ngà voi (mỗi chiếc dài hơn 1,2 m) đang nằm chềnh ềnh trên giường. Gần đó còn có một con hổ nhồi nguyên con, chín đầu bò, hai đầu hươu cùng nhiều bao tải lớn đựng xương động vật các loại đang nằm ngổn ngang. Theo lời khai của chủ “lò”, các loại sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm này mới được chuyển đến, đợi “giờ đẹp” sẽ xuất hàng.

Trung tá Lê Hồng Sơn, Đội trưởng Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (PC15 Hà Nội), cho biết “lò” này có bốn người trực tiếp tham gia nấu cao. Chủ nhà đồng thời là “chủ lò” Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1967, dân tộc Nùng, trú tại Mường Khương, Lào Cai), một người nữa là y sĩ y học cổ truyền và hai người phụ việc. Trước đây, công an đã nhận được tin Thanh đang rao bán cao hổ với giá 6,5 triệu đồng/lạng, khách phải nộp tiền trước mới được xem hàng.

Theo trung tá Sơn, những con hổ bị thu giữ có thể được nhập từ Myanmar, sau đó chuyển qua Thái Lan, Lào rồi về Việt Nam. Ngoài ra, Thanh cũng lên tận Lào Cai hay các cửa khẩu biên giới để gom “hàng”, đóng vào các thùng lạnh cỡ lớn và thường vận chuyển về căn hộ này vào ban đêm.

Sẽ khởi tố vụ án

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều qua (4-9), ông Hà Công Tuấn - Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đây là vụ nấu cao hổ cốt lớn nhất từ trước đến nay.

Theo bác Lý Văn Vũ - Tổ phó tổ 17, phường Thanh Xuân Bắc, Nguyễn Thị Thanh đã nấu cao hổ từ ba năm nay và đã bị người dân phản ánh nhiều lần với chính quyền địa phương. “Dân cư quanh đây cũng khổ sở khi phải hít thứ mùi nồng nồng, ngai ngái, thậm chí mùi xác động vật thối rữa mỗi khi nhà 103B nấu cao hổ. Lúc đầu Thanh nấu cao giữa sân tập thể. Sau thấy hàng xóm ý kiến, Thanh mới chuyển vào nấu trong nhà cho bớt mùi hôi” - bác Vũ cho biết.

Cơ quan điều đã tạm giữ “chủ lò” Nguyễn Thị Thanh cùng hai công nhân là Chu Văn Biên và Nguyễn Đức Thiệp (cùng trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) để mở rộng điều tra. Trước mắt, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng đối với các đối tượng liên quan, tiến hành giám định tang vật. Hai con hổ đã chết cũng sẽ được giao cho trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn bảo quản và giám định chủng loại.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm