Ra văn bản mới phải sửa, bỏ ngay quy định cũ

Một trong những mục đích của lần sửa đổi này là đổi mới quy trình, “sắp xếp rõ ràng từng vai một để tránh dẫm đạp lên nhau” như lời Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên phát biểu.

Dự luật có nhiều điểm mới, đáng chú ý là khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành phải đồng thời sửa đổi, bãi bỏ các quy định do mình ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới. Trường hợp chưa thể sửa đổi đồng thời, cơ quan ban hành phải chỉ rõ trong văn bản mới tên văn bản cũ cùng điều, khoản, điểm trái quy định và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ trong thời hạn văn bản mới chưa có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có quyền thành lập ban soạn thảo trong trường hợp luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình thay vì thẩm quyền của Thủ tướng như hiện nay. Cạnh đó, cơ quan soạn thảo phải xây dựng bản thuyết minh về dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; xây dựng báo cáo tác động của văn bản; lập bản tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham gia vào quy trình làm luật, dự luật cũng quy định về nguyên tắc, dự án luật, nghị quyết phải được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội để lấy ý kiến. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng như vậy sẽ động chạm đến vấn đề thẩm quyền bởi các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội chỉ có trách nhiệm góp ý dự án sau khi Chính phủ trình.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm