Rác y tế tập trung tăng đột biến

Rác y tế tập trung tăng đột biến ảnh 1
Từ đầu tháng 9, rác thải xử lý tập trung ở Hà Nội tăng 30-50%.

Nhiều BV đã bán rác thải?

Chiều 13.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đến kiểm tra Xí nghiệp xử lý chất thải y tế công nghiệp tại huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Chị Minh làm việc ở khâu vệ sinh thùng và xử lý nước thải cho hay: "Trước kia, mỗi ngày 2 ca thường làm vệ sinh khoảng 60 thùng rác, nhưng từ nửa tháng nay, đã xấp xỉ 100 thùng mỗi ngày". Các cán bộ kỹ thuật vận hành máy đốt cũng cho hay: Trước kia chúng tôi xử lý trung bình 2,2 tấn/ngày.

Nhưng những ngày gần đây là khoảng 3 tấn/ngày. Theo Phòng Kỹ thuật công nghệ, thậm chí từ đầu tháng 9 đến nay, ngoài 25 phòng khám tư nhân đã ký hợp đồng xử lý rác thải, 3 đơn vị khác cũng đã liên hệ và đang làm thủ tục ký hợp đồng.

Theo số liệu hợp đồng được thống kê từng ngày ở đây, số lượng rác thải được thu gom và xử lý ở đây trong 2 tuần qua tại nhiều BV đều tăng so với tháng 6 - 7 - 8.

BV Việt Đức tăng 30%, BV Saint Paul tăng 80%, BV Bạch Mai tăng 67%, BV Phụ sản TƯ tăng 20%, BV Đống Đa tăng 90%. Đặc biệt, BV Hữu Nghị tháng 8 xử lý 578kg rác thải, thì trong 12 ngày đầu tiên của tháng 9 đã xử lý 1.047kg...

Theo ông Bùi Chí Bình, phụ trách Phòng Kỹ thuật công nghệ: "Hiện tượng tăng đột biến này đã bắt đầu ngay từ những ngày cuối cùng của tháng 8, khi các cơ quan thông tin đại chúng đưa thông tin về chuyên bán rác thải của BV Việt Đức".

Phải chăng, trước đây nhiều bệnh viện đã bán rác thải y tế nên lượng cần đưa đến các trung tâm xử lý rác ít hẳn so với hiện nay?

Hấp tiệt trùng... rác thải

Theo ông Chử Văn Trừng, TGĐ Cty TNHH nhà nước vệ sinh môi trường đô thị HN: "Vận hành từ năm 1997 đến nay, khối lượng rác thải BV được XN thu gom và đốt ngày càng nhiều hơn, các BV ký hợp đồng thu gom cũng tăng lên. Riêng khu vực Hà Nội, ngoài một số nơi có hệ thống xử lý chất thải riêng, còn 36/40 BV đã đều ký hợp đồng với XN.

Công suất vận hành của XN có thể lên tới 5 tấn/ngày, trong khi khối lượng thu gom được hàng ngày chỉ 2,2 tấn/ngày. Do đó, chắc chắn không phải vì thiếu nơi đốt mà các một số cá nhân trong BV đã tự ý phân loại riêng ống truyền và chai nhựa để bán phế liệu.

Rác thải được xử lý tại đây đốt ở nhiệt độ trên 900oC, còn lại là các cục gỉ cô quánh, thường chỉ dùng đóng gạch lát đường, hoặc xây các nhà tạm, không nên xây nhà kiên cố. Huống hồ các chất thải y tế nấu thủ công thì không thể loại trừ hết vi trùng, vi khuẩn".

Hiện cả nước chỉ có 2 trung tâm xử lý chất thải y tế quy mô, đặt tại TPHCM và Hà Nội. Cả nước cũng chỉ có hơn 80 lò đốt rác thải y tế. Số lượng lò đốt thiếu, chứ chưa bàn đến chất lượng".

Được biết, trong tuần tới, 2 đoàn thanh tra của Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra việc xử lý rác thải của các BV.

Quang Duy <EM>( Theo Lao Động )</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm