Sài Gòn… ép dẻo

“Ép dẻo, ép dẻo lấy liền đây! Ép giấy tờ, cà vẹt, sổ hồng, hộ khẩu, huân chương… chỉ trong vài phút mà bền cả đời. Ai dép dẻo nào, ép dẻo đi!…” - tiếng rao đặc sệt giọng Bắc thỉnh thoảng lại vang lên trong các con hẻm, góc phố Sài Gòn.

“Ép dẻo đây!”

Anh Trần Đình Hùng, quê Quảng Xương, Thanh Hóa, vào Sài Gòn làm “ép dẻo viên” ở đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp từ khi mới rộ lên “phong trào ép dẻo” (gần hai năm nay), cho biết, chỉ cần một máy ép plastic, một khung sắt, một máy phát điện mini, một cuộn giấy nhựa cùng một xe đẩy, tất cả khoảng 5-7 triệu đồng là có thể hành nghề.

Giá ép giấy tờ khổ 9x12 cm là 5-7 ngàn đồng một tấm, khổ 12x16 cm trên dưới 10 ngàn, các loại văn bằng, huân chương từ 15 đến 25 ngàn đồng. Có vẻ như nhu cầu bảo quản các loại giấy tờ của dân Sài Gòn ngày càng gia tăng nên nghề ép dẻo đang ăn nên làm ra.

Anh Hùng nói, những ngày mới ra nghề, chỉ cần đứng một chỗ hoặc đẩy xe một vòng mỗi ngày có thể kiếm được 200-300 ngàn đồng, nếu gặp dân kinh doanh địa ốc thuê ép sổ đỏ, sổ hồng, có khi được “bo” cả trăm ngàn đồng Ở quê, nghe một người bạn hành nghề ép dẻo ở Sài Gòn rủ rê, anh quyết định cầm cố mảnh đất được 5 triệu để “hành phương Nam”, sang lại máy móc làm nghề ép dẻo. Vậy mà chỉ trong hai năm, nhờ ép dẻo, anh dành dụm mua được một miếng đất ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, cất được cáinhà cấp 4 rồi đón vợ và hai con vào.

Vợ anh hiện nay cũng có một xe ép dẻo, hằng tháng hai vợ chồng kiếm được 7-8 triệu đồng, đủ lo cho hai cô con gái học đại học và cao đẳng. So với các nghề “đi bộ” khác như cân điện tử, bán báo, bán móc khóa…, thì nghề “ép dẻo” đang gặp thời.

Theo anh Hùng, ở Sài Gòn hiện nay ít nhất có trên 500 xe ép dẻo, chủ yếu là của dân Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định; đã hình thành những “xóm ép dẻo” ở đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Oanh, khu Xóm Mới, quận Gò Vấp.

Luyện ép dẻo cấp tốc

Tại các “xóm ép dẻo” của dân tha phương có những lớp dạy “ép dẻo cấp tốc” do người đi trước truyền lại cho người mới từ quê vào, học phí trong vòng môt tuần vài trăm ngàn đồng, tuỳ theo mức độ thân sơ giữa các đồng hương.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, quê ở Nam Trực, Nam Định, trọ ở đường Nguyễn Oanh, người được dân trong nghề xem là “cao thủ ép dẻo” hiện đang là chủ sở hữu ba xe ép dẻo lưu động, một năm nay chuyên mở các lớp luyện ép dẻo cấp tốc cho dân đồng hương mới vào Nam theo nghề.

Những sự cố mà “ép dẻo viên” thường bị là khi bóc lớp nhựa cũ có thể làm rách giấy tờ của khách, cũng như làm mất góc giấy khi dập đường viền. Cũng đã từng có thợ ép dẻo ở đường Lê Quang Định, Bình Thạnh bị phá sản, bán cả đồ nghề đền cho khách vì vô ý làm rách “sổ hồng”. Ông khách ấy đòi bồi thường 10 triệu đồng tiền chi phí đi lại xin cấp giấy mới. Còn chuyện bị khách mắng té tát, không trả tiển chỉ vì khi ép làm quăn góc giấy là chuyện thường ngày với dân thợ ép.

“Muốn tránh làm hỏng giấy tờ của khách thì phải học cho tinh thông nghề” - ông Cảnh “quảng cáo” về lớp luyện nghề ép dẻo cấp tốc của mình.

Xe ép dẻo lưu động ngày càng đông, cạnh tranh càng quyết liệt nên không ít thợ phải phá giá, giảm giá để thu hút khách. Nhiều “ép dẻo viên” dùng cả các loại giấy nhựa dỏm.

Ông Hùng than, dạo này lực lượng “ép dẻo viên” rải khắp ngõ ngách nên việc làm ăn khó hơn. Có ngày đi rạc giò từ sáng đến chiều cũng chỉ có vài mối ép vì đến đâu cũng “đụng hàng”. “Nhưng “công nghệ ép dẻo” chắc vẫn còn tồn tại một thời gian nữa ở đất Sài Gòn này”- ông Hùng bảo vậy.

Quỳnh Hương (theo Người Đô Thị)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm