Thêm một xã tráo máy phát cho dân nghèo

Trong khi cơ quan chức năng đang điều tra việc người dân xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) bị tráo nông cụ Nhật thành hàng Trung Quốc phát cho dân nghèo thì ở xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh cũng xảy ra trường hợp tương tự.

Điều đáng nói là cơ sở nông cơ Minh Thắng của ông Hồ Minh Thắng ở Đồng Kho, Tánh Linh đang bị điều tra về hành vi tráo máy thì cũng là đơn vị cung cấp nông cụ này cho người dân xã Đức Thuận.

Vỏ Honda, ruột thập cẩm!

Theo quyết định của chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, hơn 400 hộ người đồng bào, người nghèo trong huyện được hỗ trợ kinh phí mỗi hộ 5 triệu đồng để trang bị máy nông cụ. Riêng xã Đức Thuận có 70 hộ được hỗ trợ 350 triệu đồng.

Tháng 11-2016, những hộ dân này đã được cấp phát máy nông cụ tùy theo nhu cầu đăng ký như máy bơm nước, máy xịt thuốc, máy cắt cỏ hiệu Honda, trị giá 5 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, sau khi nhận máy, người dân phát hiện các nông cụ không phải là hàng Nhật.

Anh Trần Văn Đến (thôn Đồng Me, xã Đức Thuận) vừa nhận chiếc máy bơm nước hiệu Honda nói: “Tôi nghe nhiều người nói đây là máy Trung Quốc nhưng cũng không biết phân biệt thế nào”. “Khi bơm nước khoảng ba tiếng là máy tự tắt, giật cho máy nổ lại rất khó khăn” - anh Đến cho biết. Nói xong anh dùng tay bóc cái nhãn hiệu Honda GX 200 6.5 dán trên lốc máy một cách rất dễ dàng.

Ông Bùi Viết Hà cũng ở thôn Đồng Me vừa nhận máy xịt thuốc hiệu Honda Kawamega bưng cả thùng máy chưa sử dụng ra và cho biết từ lúc nhận máy về nghe mọi người nói máy của Trung Quốc nên ông gác giàn bếp luôn. Theo ông Hà, có mấy người hàng xóm nhận máy như ông đưa ra mấy cơ sở nông cơ bán lại chỉ có giá 1,5 triệu đồng. Đưa tay bóc dễ dàng nhãn hiệu Honda, ông Hà nói: “Máy này là hàng nhái, giả mạo nhãn hiệu nhưng vì nghèo, người ta phát cho là mừng rồi nên không khiếu nại”.

Tại thôn Bàu Chim, anh Nguyễn Văn Hải (khuyết tật ở chân) nhận máy cắt cỏ hiệu Maruyama ghi có xuất xứ từ Nhật nhưng cũng không biết hàng thật hay dỏm. “Để nhận máy cắt cỏ này, tôi phải bù 500.000 đồng vì cán bộ bảo máy trị giá 5,5 triệu đồng” - anh nói.

Anh Trần Văn Đến dễ dàng lột nhãn Honda từ chiếc máy bơm nước và cho biết máy liên tục trục trặc. Ảnh: PN

Chủ tịch xã nói gì?

Theo ông Huỳnh Trọng Nghĩa, Giám đốc Dịch vụ khách hàng Công ty TNHH Honda Việt Nam Power Products, các máy móc, nông cụ của hãng Honda sản xuất tại Thái Lan, nhập về Việt Nam đều có tem chống giả. Nhãn hiệu của hàng Honda chính hãng dán trên lốc máy không dễ gỡ ra.

Quan sát những hình ảnh mà chúng tôi cung cấp, ông Nghĩa cho biết các máy bơm nước của anh Đến, máy xịt thuốc của ông Hà… không đồng nhất, có khả năng là hàng nhái, hàng giả. “Nếu không có tem chống giả đều là hàng nhái, hàng giả” - ông nói.

Khi cho xem bảng báo giá mà cơ sở Minh Thắng chào giá, một đại diện Công ty TNHH Honda Việt Nam Power Products nói: Giá trong bảng báo giá không phải là hàng của hãng Honda. Bởi các máy nông cụ của hãng Honda đều có giá cao hơn giá trong bảng báo giá.

Trao đổi với ông Phan Gia Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đức Thuận, về các máy phát cho dân nghèo tại địa phương, ông nói: “Tôi không rành về máy móc nên rất khó phân biệt có bị đánh tráo hay không”. “Trong quá trình cấp phát máy cho dân, tôi đã yêu cầu anh em kiểm tra chặt chẽ chính xác” - ông nói.

Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Mỗi người dân được hỗ trợ 5 triệu đồng nhưng trên bảng báo giá của cơ sở Minh Thắng, nhiều loại máy trị giá chưa đến 2,5 triệu đồng và mỗi hộ dân cũng chỉ nhận một máy. Vậy số tiền còn dư đi đâu?”. Ông Tuệ cho biết là xã đã thống nhất với dân dùng tiền dư mua phụ tùng, thiết bị, nhớt bù vào cho các hộ.

“Các máy nông cụ phát cho dân Đức Thuận vẫn còn trong thời gian bảo hành. Nếu người dân phát hiện nông cụ được cấp không phải là hàng chính hãng Honda, theo hợp đồng, xã sẽ có trách nhiệm buộc cơ sở Minh Thắng đổi lại” - ông Tuệ nói.

Thủ tướng hai lần chỉ đạo làm rõ việc tráo máy

Ngày 16-3, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản lần thứ hai chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục làm rõ, xử lý vụ “Tráo máy Nhật thành máy Trung Quốc” phát cho dân nghèo mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ảnh.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra.

Tỉnh cũng yêu cầu bảy huyện Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh có sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ lập đoàn thanh tra việc cấp phát, sử dụng kinh phí…

________________________________

1.400 hộ dân ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Tuy Phong được Chính phủ hỗ trợ máy nông cụ với số tiền hàng tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm