Thực hiện văn minh đô thị: “Căng rút, lơ bung”

Tôi thấy chính quyền còn lơ là, không làm thường xuyên nên mới có chuyện “căng rút, lơ bung”. Hễ hôm nào phường đi kiểm tra thì đường phố sạch đẹp, còn không thì đâu lại vào đó” - ông Nguyễn Văn Quý, cư dân khu phố 1, phường 12, quận 3, nhận xét việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại TP.HCM. Đây cũng là vấn đề được các nhà khoa học, đại biểu HĐND cùng các quận, huyện, phường, xã đưa ra phân tích tại hội thảo “Góp ý kiến thực hiện nếp sống văn minh đô thị” do Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP cùng với Viện Nghiên cứu phát triển TP tổ chức sáng qua (3-11).

Gần hết năm vẫn loay hoay... khảo sát

“Một chủ trương nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân như thế nhưng sao kết quả không như mong đợi. Vì sao có những kết quả hôm nay đạt được nhưng hôm sau không còn?” - tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu phát triển TP, đặt vấn đề.

Trả lời, các quận, huyện, phường, xã tiếp tục viện lý do cũ rích: Thiếu lực lượng có thẩm quyền xử phạt tại chỗ, thiếu thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, mức phạt chưa đủ răn đe, ý thức người dân kém”... Gò Vấp là quận thực hiện kiểm tra xử phạt văn minh đô thị khá tốt nhưng cũng rên thiếu người có thẩm quyền để xử phạt, phải nhờ đến cả công an hỗ trợ. Vì vậy, quận kiến nghị giao thêm thẩm quyền xử phạt đơn giản cho lực lượng thanh tra xây dựng quận, phường và chuyên trách hóa lực lượng cảnh sát môi trường cấp quận để việc kiểm tra xử phạt tốt hơn. Đây cũng là kiến nghị chung của nhiều quận, huyện khác.

Theo báo cáo, đã gần hết năm văn minh đô thị nhưng toàn TP cũng chỉ lắp đặt mới được 39 nhà vệ sinh công cộng và hơn 3.500 thùng rác. Phần lớn còn lại vẫn đang trong quá trình... khảo sát, chuẩn bị! “Các quận, huyện làm chậm quá, phải quyết liệt hơn nữa! Từ nay đến cuối năm, ít nhất phải lắp đặt thêm 50 nhà vệ sinh công cộng và 3.000 thùng rác nữa” - bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban chỉ đạo, nhấn mạnh. Cũng theo bà Hà, việc bổ sung biên chế, chăm lo cho lực lượng kiểm tra xử phạt, TP cũng đã tháo gỡ và có chính sách. “Tuy nhiên, có những cái vướng về thẩm quyền, mức phạt, TP đang tiếp tục kiến nghị lên trung ương” - bà Hà cho biết.

Chính quyền chuẩn bị chưa chu đáo

Nhiều nhà khoa học đã thẳng thắn phân tích một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của năm văn minh đô thị là do sự chuẩn bị của TP chưa chu đáo, nhiều chính sách đưa ra chưa sát với thực tiễn. “Việc đường nào cũng có “lô cốt” là không thể tránh khỏi khi TP đồng loạt triển khai nhiều dự án quan trọng. Thế nhưng việc TP đưa nội dung về trật tự giao thông vào năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị lại vô tình gây phản tác dụng, tự làm khó mình” - thạc sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP, nhận xét. “Tương tự, đáng lẽ chính quyền phải chuẩn bị cơ sở vật chất như nhà vệ sinh công cộng, thùng rác cho đủ trước khi xử phạt tiểu bậy, xả rác. Chứ như hiện nay, cả nhà vệ sinh công cộng lẫn thùng rác đều thiếu mà đã phạt thì chẳng khác nào đánh đố nhân dân!” - ông Tân bổ sung thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cũng nêu lên thực tế diện tích đất dành cho giao thông hiện nay của TP quá ít. “Ít như thế thì dù có tài thánh, có dẹp chỗ này, giải quyết chỗ kia cũng như không! Chủ trương trả lại vỉa hè cho người đi bộ là tốt nhưng phải tính đến thực tế hiện nay có bao nhiêu người đi bộ? Trong khi đó, rất nhiều người dân ở TP sống nhờ vào vỉa hè” - ông Nguyên nói.

Không thể đổ tại ý thức người dân

Bác bỏ lý do mà các cơ quan quản lý hay đưa ra là “do ý thức người dân kém”, tiến sĩ Nguyên cho rằng chính quyền không thể đòi hỏi người dân luôn luôn ý thức cao được mà hãy đặt sự quản lý trong tình thế người dân luôn tìm cách để né sự quản lý ấy. “Ngay cả Singapore - một đất nước được xem là người dân có ý thức rất cao nhưng ở những nơi vắng cảnh sát giao thông, vẫn có người vi phạm như thường. Phải xác định trách nhiệm của chính quyền lớn hơn chứ không phải trách nhiệm từ dân” - ông Nguyên dẫn chứng.

Ông Nguyên đưa ra một ví dụ: “Kênh Ba Bò bị bức tử, ô nhiễm ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân... phải xác định trách nhiệm là vai trò quản lý của chính quyền, nhà nước. Có người dân còn lý sự cùn rằng: Kênh Ba Bò như thế thì tôi có vứt một vỏ chuối ra đường cũng có ăn thua gì!”.

“Phải làm sao để chính quyền tiếp xúc trực tiếp với dân hơn nữa thì mới thực hiện tốt chủ trương. Sự gương mẫu của chính quyền là cách tác động hiệu quả nhất đối với người dân. Muốn vậy, phải xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân. Không thể để như hiện nay, xảy ra sự cố thì các sở, ngành thi nhau đi khảo sát hết lần này đến lần khác mà vẫn không giải quyết ngay được” - tiến sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Đối thoại tại hội thảo

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP:

Năm 2009 sẽ có trọng tâm, trọng điểm

Những ý kiến góp ý, phân tích của các nhà khoa học trong cuộc hội thảo này sẽ được TP ghi nhận để chuẩn bị cho kế hoạch thực hiện nếp sống văn minh đô thị năm 2009 một cách cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi rõ ràng hơn. Thời gian tới, TP cũng sẽ khảo sát, nghiên cứu các tiêu chí thực hiện văn minh đô thị gắn liền với việc xây dựng Người Sài Gòn Văn minh-Nhân ái-Năng động. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo và thực hiện kiên trì, đồng bộ của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của người dân TP.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hậu, Viện Nghiên cứu phát triển TP:

Không thể dàn quân khắp nơi

Để thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không thể nói chung chung rồi dàn quân ra khắp nơi thực hiện ào ào, tạo không khí mà cần có sự chuẩn bị. Chuẩn bị về cơ sở pháp lý, lực lượng thực hiện, cơ sở vật chất kết hợp với các biện pháp đồng bộ. Đồng bộ không có nghĩa là thực hiện rầm rộ ở tất cả các nơi, trên tất cả lĩnh vực. Vì như thế sẽ không đủ sức. Phải vạch ra trọng tâm quận, huyện nào, đối tượng nào, lĩnh vực nào thực hiện.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm