Tòa xử lại, thi hành án rối!

Theo bản án phúc thẩm ngày 20-5-2005 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Tao, chủ sở hữu ngôi nhà 36 Nguyễn Thị Diệu, quận 3 phải bồi thường tổng cộng 3.611 lượng vàng SJC cho ông Lê Hồng Phương.

Tòa “vặn sườn” thi hành án

Vì bà Tao không bồi thường nên tháng 5-2006, nhà số 36 Nguyễn Thị Diệu đã bị phát mại, bán đấu giá để thi hành án (THA) với giá khởi điểm 3.489 lượng vàng SJC. Sau đó, ông Hoàng Ngọc Tài đã trúng đấu giá với mức giá 3.505 lượng vàng SJC. Việc giao dịch tài sản đã hoàn tất theo đúng quy định. Ông Tài cũng đã đóng lệ phí trước bạ và chuyển chủ quyền nhà sang tên ông.

Tháng 1-2007, THA TP.HCM đã giao được một phần căn nhà cho ông Tài. Khi THA TP chuẩn bị cưỡng chế đối với bà Tao để giao nốt phần nhà còn lại cho ông Tài thì bất ngờ tháng 7-2007, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã xử giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án phúc thẩm của bà Tao và ông Phương, giao vụ án cho Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử lại. Theo TAND tối cao, tòa phúc thẩm buộc bà Tao bồi thường cho ông Phương 3.611 lượng vàng SJC là chưa đúng bởi các bên đã thỏa thuận về biện pháp phạt khi vi phạm hợp đồng, tòa phúc thẩm không căn cứ vào thỏa thuận này mà tự quyết là sai.

Không biết giao nhà cho ai

Tháng 1-2008, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm lại, buộc bà Tao bồi thường cho ông Phương 2.096 lượng vàng SJC.

Điều đáng nói là trong bản án, tòa không hề đề cập đến quyền lợi của ông Tài, người đang có chủ quyền ngôi nhà 36 Nguyễn Thị Diệu, cũng không hề đề cập đến việc giải quyết số phận của ngôi nhà này. Chính vì thế, THA TP đã gặp rắc rối to vì bà Tao yêu cầu được nộp vàng trả nợ và giữ lại nhà, trong khi ông Tài cũng cương quyết đòi THA phải cưỡng chế bà Tao để lấy nhà cho ông.

Về nguyên tắc, việc bà Tao đề nghị được trả vàng để giữ nhà là không sai bởi sau khi bản án phúc thẩm lần hai có hiệu lực pháp luật, bà có một thời hạn nhất định để tự nguyện THA, nếu không mới bị cưỡng chế. Thế nhưng ngôi nhà hiện đã thuộc chủ quyền của ông Tài - người mua nhà hợp pháp, ngay tình thông qua việc mua đấu giá để thi hành bản án phúc thẩm lần đầu nên không thể có chuyện bắt ông trả lại nhà cho bà Tao được.

Ông Vũ Duy Bội - chấp hành viên thụ lý vụ này than thở: “Hiện chúng tôi đang bị cả ông Tài lẫn bà Tao khiếu nại vì không biết phải làm sao. Căn cứ vào các quy định về THA cũng như pháp luật dân sự, ngôi nhà này phải được giao cho ông Tài, bà Tao không có quyền đòi lại. Nhưng nếu bà Tao không tự nguyện thì chúng tôi cũng bó tay bởi trong bản án phúc thẩm lần hai, tòa không buộc bà Tao giao nhà thì làm sao THA ra được quyết định cưỡng chế. Chưa kể bà Tao vẫn đồng ý nộp vàng trả nợ kia mà!”.

Theo ông Bội, ngoài việc xin ý kiến của Cục THA dân sự, THA TP cũng đã có công văn đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm lần hai giải thích bản án nhưng hơn một tháng qua vẫn chưa nhận được hồi âm.

Người mua nhà luôn bị thiệt?

Đây không phải là lần đầu tiên người mua nhà đấu giá gặp phải chuyện tiền đã trao mà nhà không có như trên.

Năm 2000, vợ chồng ông L. ở Cai Lậy (Tiền Giang) không tự nguyện trả nợ theo phán quyết của tòa nên THA huyện Cai Lậy đã kê biên nhà của họ đem bán đấu giá. Ông Đỗ Ái Hòa, ngụ cùng địa phương, đã trúng đấu giá với giá 81 triệu đồng. Ông Hòa đã nộp đủ tiền nhưng không được giao nhà bởi ông L. khởi kiện, yêu cầu tòa hủy các quyết định của THA huyện vì cho rằng căn nhà là tài sản riêng của mình.

Tòa án hai cấp sơ, phúc thẩm đều kết luận căn nhà là tài sản riêng của ông L. và buộc THA huyện thu hồi các quyết định THA liên quan. Riêng quyền lợi của ông Hòa thì tòa không đả động đến. Không biết làm sao, ông Hòa “níu áo” trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh và THA huyện yêu cầu trả lại tiền mua nhà và bồi thường thiệt hại nhưng không có kết quả. Ông gửi đơn kiện đến TAND TP Mỹ Tho, nơi trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh đóng trụ sở thì tòa này trả lại đơn, viện lẽ trụ sở của THA huyện là ở Cai Lậy. Về Cai Lậy, tòa án huyện cũng lắc đầu vì “trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh có trụ sở ở Mỹ Tho”...

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm