Giết người hàng loạt, sử dụng súng gia tăng

“Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, có nhiều thủ đoạn, phương thức phạm tội mới”, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138) vừa báo về kết quả thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trong quý III-2016 như trên.

Trong quý III-2016, công an đã khám phá hơn 10.600 vụ phạm pháp hình sự, bắt và xử lý hơn 19.000 người (giảm 3,85% so với cùng kỳ năm 2015). Tuy nhiên, tội phạm phức tạp, các băng nhóm manh động, liều lĩnh hơn. Các băng nhóm sẵn sàng sử dụng vũ khí, hung khí thanh toán, giải quyết mâu thuẫn, tranh giành địa bàn bảo kê, đòi nợ thuê. Tội phạm sử dụng súng có biểu hiện gia tăng, xảy ra thường xuyên hơn. Nhiều băng nhóm bị triệt phá hoạt động dạng trên như băng nhóm Phong “cướp” ở Đắk Nông, băng của Vũ Quang Hùng ở Hà Nội, Đức “quắm” ở TP.HCM…

Công an TP Hà Nội triệt phá một đường dây đòi nợ thuê, thu giữ nhiều súng đạn. Ảnh: TP

Riêng tội phạm giết người tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Xảy ra các vụ giết người hàng loạt ở Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh… gây rúng động xã hội. Tội phạm chống người thi hành công vụ nói chung có giảm nhưng riêng việc chống công an lại tăng, làm 44 công an bị thương; hành vi chống đối manh động và liều lĩnh hơn.

Về tội phạm kinh tế, công an đã phát hiện hơn 3.600 vụ, trong đó có một số vụ liên quan đến lãnh đạo cấp tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và các cựu lãnh đạo HĐQT PVC)… nhiều vụ tham ô, nhận hối lộ bị công an khởi tố; vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng cơ bản tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Đáng chú ý, xuất hiện thủ đoạn mới trong việc trục lợi tiền bảo hiểm là thuê người chặt chân tay mình đã bị phát hiện ở Hà Nội. Trong lĩnh vực công nghệ, kẻ phạm tội đã lợi dụng để lừa đảo với nhiều phương thức, thủ đoạn mới và thường xuyên thay đổi. Vụ tin tặc tấn công sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất ngày 29-7 đã đặt ra nhiều vấn đề về an ninh, an toàn hệ thống máy tính tại Việt Nam.

Một số địa phương xảy ra tình trạng lực lượng bảo vệ rừng tiếp tay cho việc khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản (Điện Biên, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng...). Tội phạm ma túy liều lĩnh hơn, sẵn sàng nổ súng chống trả công an khi bị phát hiện (khoảng 10 người vận chuyển ma túy nổ súng vào đặc nhiệm Sơn La vào tháng 8-2016 vừa qua là ví dụ).

Hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp đang có xu hướng tái diễn tại nội địa. Thanh thiếu niên thác loạn, sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nghiêm trọng. Một số chất hướng thần mới như “cỏ Mỹ”, lá khat, “tem giấy”... đang thành trào lưu trong giới trẻ ở nhiều tỉnh, thành.

Với bức tranh về tội phạm như trên, Ban Chỉ đạo 138 chỉ đạo các lực lượng thực hiện công tác trọng tâm sắp tới như các lực lượng, địa phương triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tăng cường việc xác minh, truy bắt đối tượng truy nã, đặc biệt là đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng, sớm đưa sáu vụ án ra xét xử theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm