Trả lại tiền: Rối hơn canh hẹ!

Như Pháp Luật TP.HCM hôm qua (17-11) đã thông tin, ba chủ đầu tư dự án nhà ở The Vista (Công ty Capitaland), Sky Garden 3 (Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng), Blue Diamond (Công ty CP Vạn Phát Hưng) đã vi phạm Luật Nhà ở khi bán căn hộ mà chưa xây xong móng nên bị Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị phải hoàn trả tiền cho khách hàng.

Dự án Sky Garden 3 bán ồ ạt căn hộ nhưng chưa làm móng. (Ảnh chụp ngày 16–11). Ảnh: MAI THẢO

Tuy nhiên, phương án trả lại tiền sẽ không đơn giản theo kiểu “nhận bao nhiêu trả lại bấy nhiêu”, nhất là đối với các trường hợp suất mua căn hộ đã được sang tay qua nhiều người.

Siết từ đầu, hoàn tiền vẫn nhức đầu

Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng ngay từ đầu đã siết chặt việc bán căn hộ khi buộc khách hàng phải đặt tiền thành ý, chuyển khoản mới được bốc thăm mua nhà. Căng đến mức khách hàng chỉ được chuyển nhượng sang tên sau khi công ty này giao nhà. Công ty CP Vạn Phát Hưng cũng áp dụng kiểu bán tương tự khi khách hàng phải đặt chỗ mua căn hộ qua mạng và không được chuyển nhượng khi chưa ký hợp đồng...

Dự án The Vista cho đến nay vẫn chưa làm phần móng. (Ảnh chụp hôm qua, 17-11). Ảnh: MAI THẢO

Dù đầu vào siết chặt nhưng xem ra khi buộc phải trả lại tiền cho khách hàng, hai chủ đầu tư trên sẽ gặp nhiều rắc rối. Đơn cử, Phú Mỹ Hưng dù cam kết trả lại tiền thành ý lẫn tiền cọc 10% đã thu trong đợt một cho khách hàng, cộng thêm lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng nhưng với tuyên bố sẽ không giữ giá bán căn như cũ (26 triệu đồng/m2) nếu nhà nước buộc công ty phải làm móng đang làm nhiều khách hàng hoang mang. Phú Mỹ Hưng đang dở khóc dở cười vì không biết khách hàng có chịu nhận lại tiền hay không.

Ông Trương Thành Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng, cho biết doanh nghiệp ông cũng sẵn sàng trả lại tiền cho khách hàng vì số tiền công ty ông nhận rất ít (180 khách hàng, mỗi người đóng 30 triệu đồng). Trong giấy xác nhận với người mua căn hộ Blue Diamond qua mạng Internet, công ty đã nói rõ sẽ trả lại tiền khi gặp sự cố nhưng không kèm theo lãi suất. Ông Nhân khẳng định: trường hợp chính quyền buộc công ty trả tiền thì công ty sẽ trả đúng số tiền khách hàng đã đóng vào.

Tuy nói vậy nhưng khách hàng của Vạn Phát Hưng có chịu phương án của công ty hay không còn là lẽ khác.

“Tin nhau”: Coi chừng... chết đứng!

Riêng đối với dự án The Vista, theo thông tin từ khách hàng cho biết bắt đầu từ ngày mai (19-11), chủ đầu tư Capitaland sẽ trả lại tiền giữ chỗ mà khách hàng đã đặt cọc. Tuy nhiên, ngoài số tiền 2.000 USD, khách sẽ không kèm theo bất cứ phần hỗ trợ nào khác.

Ghi nhận thị trường cho thấy nếu chủ đầu tư dự án The Vista trả lại tiền, có thể mọi rắc rối sẽ... bắt đầu. Bởi nhiều người sau khi có suất giữ chỗ 2.000 USD đã lập tức chuyển nhượng lòng vòng, thậm chí có trường hợp đã mua bán trao đổi đến đời... F4 (sang tay đến người thứ tư). Nhiều người đã phải mua lại suất giữ chỗ này với giá chênh lệch 10.000-15.000 USD nhưng tất cả chỉ là thỏa thuận miệng hoặc ràng buộc với nhau bằng giấy tay.

Trong sáng hôm qua, dù báo chí đã đăng rõ ràng chuyện ba chủ đầu tư trên phải trả lại tiền cho khách hàng nhưng các mẩu rao bán suất mua căn hộ The Vista vẫn đăng nhan nhản trên báo. Một căn hộ Vista có diện tích 140 m2, tầng 21 được rao trên tờ Mua bán cao hơn giá gốc đến 6.000 USD. Trao đổi qua điện thoại, người bán căn hộ khẳng định: “Chủ yếu chỉ là tin nhau, còn muốn sang tên thì phải chờ đến lúc ký hợp đồng đóng đủ 30% giá trị căn hộ chủ đầu tư mới cho chuyển tên” (Tuy nhiên đến đầu giờ chiều, người rao bán căn hộ trên thông báo sẽ bán với giá chênh lệch còn 1.000 USD.)

Luật sư Nguyễn Đình Hùng (Đoàn luật sư TP) phân tích, hợp đồng giữ chỗ mua căn hộ của chủ đầu tư dự án The Vista được soạn rất chặt chẽ và toàn có lợi cho chủ đầu tư. Chẳng hạn khi sự cố xảy ra, dù là lỗi chủ đầu tư thì khách hàng cũng chỉ nhận lại phần tiền đã góp vào và không kèm bất kỳ một khoản bù đắp nào. Do đó, khách hàng khó mà “đòi hỏi” thêm.

Riêng những trường hợp sang tay suất giữ chỗ chỉ bằng thỏa thuận miệng hoặc viết giấy tay, ông Hùng cho biết người mua có thể mất trắng khi người bán “lật kèo”. Đối với những trường hợp có thỏa thuận sang nhượng thể hiện bằng văn bản, có người làm chứng thì người mua có thể đòi lại phần tiền chênh lệch hoặc kiện ra tòa đối với người bán chứ không thể “níu áo” chủ đầu tư.

Trả lại tiền: Rối hơn canh hẹ! ảnh 3Luật sư Cổ Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM:

Khó đòi bồi thường!

Ngay từ đầu, hợp đồng ký kết giữa các chủ đầu tư với khách hàng nêu trên đã vô hiệu do các chủ đầu tư đã vi phạm pháp luật (Điều 39 Luật Nhà ở). Theo quy định, khi hợp đồng vô hiệu thì mỗi bên sẽ hoàn trả lại những gì đã nhận của nhau. Trong trường hợp nếu có tranh chấp, tòa sẽ căn cứ vào phần lỗi mỗi bên để xử, việc xem xét lỗi có thể theo tỷ lệ hoặc chia đều cho hai bên. Phần lỗi rõ ràng thuộc về các chủ đầu tư khi không tiếp tục thực hiện hợp đồng, tuy nhiên khách hàng muốn kiện đòi bồi thường cũng không đơn giản. Họ phải chứng minh những thiệt hại có thật do việc hủy hợp đồng trên gây ra.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM:

Mua “đa cấp” bị phủi tay thì đành chịu

Khách hàng có thể kiện ra tòa yêu cầu chủ đầu tư phải trả thêm phần lãi ngân hàng ngoài số tiền cọc đã bỏ vào. Muốn kiện bồi thường, khách hàng phải chứng minh thiệt hại và sự ngay tình của mình. Đối với những trường hợp mua sang tay lại, nếu chỉ giao kết bằng miệng thì khi bị người bán “phủi tay”, người mua xem như mất trắng.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm