Về quê ăn Tết: Đã hết vé tàu, máy bay

Hiện các bến xe, nhà ga, hãng hàng không cũng đang cố gắng tìm các biện pháp khả dĩ để tạo cơ hội cho hành khách có được chiếc vé về quê ăn Tết.

Vé tàu, máy bay: Cơ hội mong manh

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó ga Sài Gòn, cho biết sau đợt bán vé tàu Tết trên mạng, ga Sài Gòn tiếp tục bán ghế phụ trực tiếp tại nhà ga với số lượng khoảng 100 ghế/chuyến. Tuy nhiên, số vé này cũng đã được mọi người mua hết chỉ sau khoảng hai ngày phát hành. “Với những người muốn về Tết sớm, vẫn có thể mua vé.

Các chuyến tàu Bắc-Nam chạy trước ngày 27-1 (tức 20 tháng Chạp) vẫn còn ghế trống. Nhưng sau ngày này thì không còn cơ hội” - ông Thành nói. Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Trưởng ga Sài Gòn, cho biết thêm: “Các chuyến tàu đi lại trong dịp Tết vẫn còn ghế trống từ ga Nha Trang trở vào. Hành khách có nhu cầu đi lại có thể đến trụ sở ga để mua tự do”.

Các hãng hàng không cũng đã không còn vé trong dịp Tết dù đã tăng chuyến lên gần gấp đôi so với ngày thường. Phòng vé của Vietnam Airlines và tổng đài đặt chỗ của hãng đều xác nhận sau ngày 22 âm lịch không còn vé nào. Hành khách muốn đi chỉ còn cách đặt sổ chờ, giờ cuối có ai trả vé sẽ chen vào. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Hãng hàng không Pacific Airlines. Các chuyến bay từ ngày 23 tháng Chạp trở đi đều đã kín chỗ. Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc một đại lý cấp 1 của hãng tại phố Yên Phụ, Hà Nội, cho biết: “Ai muốn đi trong dịp Tết đều đã đặt vé cách đây hai tháng là ít”.

Xe đò: Không lo “cháy vé”

Anh Nguyễn Văn Cường, đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Long, cho biết mỗi ngày công ty có hai chuyến xe chạy về Hải Phòng và 10 chuyến xe chạy tuyến Hà Nội. Từ sau ngày 24 tháng Chạp sẽ tăng bình quân năm chuyến mỗi ngày, có ngày tăng mười chuyến. Những ngày cao điểm dịp Tết, hãng xe giường nằm Hoàng Long cũng sẽ tăng chuyến lên gấp hai lần so với ngày thường.

Anh Nguyễn Hoài Phong, cán bộ Công ty AST Vina - một công ty có dịch vụ vận tải hành khách theo yêu cầu cũng cho biết vé xe Tết về các tỉnh miền Trung hiện vẫn còn nhưng vé về các tỉnh miền Bắc thì “bó tay”. “Các công ty, doanh nghiệp có thể thuê xe tập thể. Với xe 33 chỗ về Hà Nội, giá trọn gói là khoảng 20 triệu đồng” - anh Phong cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông, dự đoán năm nay bến sẽ chuyên chở khoảng 500 ngàn khách đi lại do đã tăng hơn 400 đầu xe mới so với năm ngoái. Vào những ngày cao điểm, bến sẽ căn cứ tình hình thực tế mà điều chuyển xe từ những tuyến vắng khách sang chạy những tuyến đông khách. Vì vậy, không lo “cháy vé”.

Dự đoán khả năng “cháy vé” ở Bến xe Miền Tây cũng sẽ khó xảy ra vì các tuyến xe xuất phát từ bến này là các tuyến đường ngắn, thời gian quay vòng nhanh. Từ ngày 17-1, Bến xe Miền Tây đã tổ chức bán vé cho khách có nhu cầu đi lẻ và tập thể, đi vào các ngày từ 21 đến 29 tháng Chạp. Bến cũng đã có kế hoạch tăng cường xe. Cụ thể vào ngày cao điểm sẽ tăng khoảng 130 xe buýt loại 40 ghế. Dự báo lượng khách đi các tỉnh miền Tây vào ngày 28 và 29 âm lịch có thể đạt khoảng 60.000 người/ngày.

Siết chặt hoạt động “xe dù”, “bến cóc”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 19-1, ông Lê Vĩnh Phát, Chánh thanh tra Sở Giao thông Công chính, cho biết Sở đã mở đợt cao điểm thanh, kiểm tra các bãi “xe dù”, “bến cóc”. Đợt kiểm tra kéo dài liên tục trong 32 ngày (trước Tết 20 ngày và kéo dài đến khoảng ngày 12 sau Tết). Lực lượng thanh tra sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra chặt chẽ các điểm “nóng xung quanh các bến xe Miền Đông, Miền Tây, An Sương, ngã tư Ga và các khu vực trung tâm quận 1, 5, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức. 100% lực lượng thanh tra sẽ tham gia trực 24/24 giờ trong đợt cao điểm này.

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm