Vô cớ bắt trẻ em, công an xã phải xin lỗi

Dự kiến vào ngày 17-7, tại tổ 8, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Bình, Tân Biên, Tây Ninh, Công an xã Thạnh Bình sẽ tổ chức xin lỗi em THG (sinh ngày 17-1-2001) và gia đình do đã bắt oan em G.

Bắt trẻ em khi không có người giám hộ

Trước đó, gia đình em G. có đơn khiếu nại gửi UBND, HĐND xã Thạnh Bình về việc Công an xã Thạnh Bình đã bắt oan em G. do nghi ngờ lấy trộm ĐTDĐ.

Em G. kể với Pháp Luật TP.HCM: “Khoảng 9 giờ sáng 29-6, cha mẹ đi làm nên em sang nhà bà nội ở gần nhà chơi. Được một lúc thì chú công an Võ Thành Hà và một chú nữa tên là Chênh xuống. Hai chú nói nghi em lấy trộm ĐTDĐ của cô ruột nên em phải theo họ lên xã để điều tra. Dù em đã khẳng định không lấy trộm điện thoại của ai cả nhưng hai chú một mực không tin, dẫn em lên xã”.

G. kể tiếp: “Khi lên tới công an xã, hai chú công an đưa em vào phòng tra hỏi nhưng em nhất quyết không thừa nhận. Thế là chú Hà còng tay em lại và dùng tay đánh vào mặt, dùng dùi cui đánh vào hông, bụng... Từ trưa tới tối chú đánh tổng cộng bốn lần. Thấy em khóc vì đau quá, chú Chênh khuyên chú Hà đừng đánh nữa nhưng chú Hà vẫn không nghe”.

G. bị giữ tại công an xã từ 10 giờ tới 16 giờ cùng ngày mới được cho ăn cháo. Đến 19 giờ cha mẹ G. đi làm về và tức tốc chạy lên xã xin bảo lãnh con về nhưng không được chấp nhận. Hơn 22 giờ, G. mới được các công an viên cho về nhà.

Em G. và đơn tố cáo. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Lãnh đạo công an xã xác nhận

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Quang Trung, Trưởng Công an xã Thạnh Bình, xác nhận có sự việc trên. “Thời gian đó tôi đi điều trị tại BV 115, TP.HCM nên không nắm được vụ việc. Nhận được đơn tố cáo, tôi đã tổ chức họp và xác định hai công an viên có sai phạm, trong đó anh Võ Thành Hà là người trực tiếp đánh em G. Công an xã quyết định cắt thi đua năm 2016 đối với anh Hà, phê bình trước toàn cơ quan. Anh Chênh không đánh em G. nhưng lại không báo cáo cho lãnh đạo hành vi của anh Hà nên cũng bị phê bình” - ông Trung nói.

Ông Trung cho biết thêm: “Chúng tôi đã đến nhà xin lỗi gia đình và em G. Tuy nhiên, gia đình chưa hài lòng vì chỉ có lãnh đạo công an xã và anh Chênh xuống xin lỗi mà không có mặt anh Hà. Gia đình cũng muốn phải tổ chức một cuộc họp dân phố để lãnh đạo công an xã nói rõ cháu G. bị bắt oan. Chúng tôi đã thống nhất Chủ nhật tới đây sẽ thực hiện yêu cầu của gia đình, đồng thời buộc anh Hà phải có mặt để trực tiếp xin lỗi”.

Công an viên Võ Thành Hà: “Tôi có lỗi”

Trao đổi qua điện thoại, anh Võ Thành Hà cho biết: “Hôm đó, tôi được tin báo bà Hoa, cô của G., bị mất trộm điện thoại nên cùng anh Chênh xuống xác minh. Bà Hoa nghi G. là thủ phạm nên yêu cầu chúng tôi đưa cháu về điều tra. Tôi có gọi điện thoại báo cho cha mẹ G. nhưng không liên lạc được. Tại công an xã, tôi có nóng giận nên tát G. một cái chứ không đánh tới bốn lần như trong đơn phản ánh. Sự việc xảy ra, tôi cảm thấy mình rất có lỗi nhưng do ngại nên chưa tới xin lỗi gia đình G. Chủ nhật này tôi sẽ có mặt trong buổi xin lỗi công khai do lãnh đạo xã tổ chức”.

Còn anh Chênh nói: “Tôi phụ trách địa bàn của gia đình G. nên hôm đó đi cùng theo đề nghị của anh Hà. Sau khi đưa G. lên xã, anh Hà là người làm việc trực tiếp với G. chứ không phải tôi. Sau sự việc, tôi biết mình có lỗi nên đã hai lần xuống xin lỗi gia đình”.

________________________________

Tôi đã cử một phó trưởng công an huyện xuống địa phương xác minh thêm. Nếu xác định có sai phạm thì sẽ kỷ luật nặng những cá nhân liên quan. Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, việc xử lý lực lượng này sẽ do công an huyện và UBND xã phối hợp.

Thượng tá NGUYỄN THANH SƠN, Trưởng Công an huyện Tân Biên, Tây Ninh

Tôi đã cùng trưởng công an xã làm việc với gia đình em G. và hai công an viên. Chúng tôi đã xin lỗi gia đình và sẽ xử lý thật nghiêm khắc những cá nhân sai phạm.

Ông LÊ TẤN THÀNH, Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình,
Tân Biên, Tây Ninh

Theo khoản 2 Điều 306 BLTTHS, trường hợp người bị tạm giữ, bị can từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng.

Như vậy, hành vi bắt, giữ và lấy lời khai của em G. (15 tuổi) vì nghi ngờ em trộm cắp ĐTDĐ đã có dấu hiệu vi phạm quy định của BLTTHS như sau: Thứ nhất, hỏi cung trẻ em không có mặt đại diện của gia đình (khoản 2 Điều 302 BLTTHS). Thứ hai, nếu có chứng cứ chứng minh việc công an viên Hà đã đánh G. để buộc em này khai thì hành vi của anh Hà có dấu hiệu dùng nhục hình. Tùy theo mức độ, hai công an viên có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự
ĐH Luật TP.HCM

N.NGA ghi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm