Nhiều DN mua hàng Trung Quốc, dán nhãn Việt Nam

Người tiêu dùng khốn khổ

Ông Nguyễn Bá Toàn, người nổi tiếng với thương hiệu cá kho làng Vũ Đại nói rằng: tại Việt Nam, cứ sản phẩm nào xây dựng được thương hiệu là ngay lập tức xuất hiện hàng giả, hàng nhái…

“Tình trạng này làm đau đầu các DN làm ăn chân chính khi mà các DN chân chính làm mãi mới có chút tiếng tăm đến khi thu hoạch thì lại bị “nẫng tay trên” bởi hàng giả, hàng nhái”, ông Toàn nhận xét.

Qua thực tế kinh doanh, ông Toàn kể, có lần doanh nghiệp của ông bị một số cá nhân lợi dụng uy tín của công ty mình để bán hàng bằng cách tự nhận là có chung nơi sản xuất với doanh nghiệp của ông. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của công ty Đặc sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Toàn cho biết: cứ có sản phẩm nổi tiếng nào là lập tức xuất hiện hàng giả, hàng nhái khiến uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Đồng tình, bà Phạm Chi Lan nói: “Hàng lậu tràn lan đã khiến người tiêu dùng khốn khổ đã đành mà người sản xuất, bán lẻ cũng khốn đốn chẳng kém.”

 “Do đó, người tiêu dùng từ chỗ mất niềm tin vào hàng hoá đã phải chọn cách yên tâm hơn là mua sắm trong những cửa hàng uy tín hơn, mà đây lại là ưu thế của những ông lớn nước ngoài.”, bà Chi Lan nói.

Chuyên gia thị trường Trương Cung Nghĩa thì chỉ ra tình trạng nhiều doanh nghiệp không sản xuất mà chỉ mua sản phẩm, hàng hóa Trung Quốc … rồi dán nhãn Việt Nam mang ra thị trường. “Tình trạng này khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang và lo lắng”, ông Nghĩa nói.

Từng chứng kiến quá trình sản xuất nông sản của bà con khu vực Nam Bộ, ông Nghĩa kể, có nhiều hộ gia đình trồng cấy phun một hàm lượng lớn thuốc trừ sâu, thuốc làm bóng vỏ, chất kích thích rồi đem ra thị trường tiêu thụ. Nhưng họ lại trồng riêng một diện tích trái cây khác để ăn.

“Như vậy thì làm sao mà người tiêu dùng dám tin tưởng vào hàng hóa”, ông Nghĩa  đặt vấn đề.

Hàng Việt mất dần thị phần

Đặt vấn đề về hàng Thái Lan đang “tung hoành” tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định: hàng hóa Thái bao giờ cũng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn bởi quan niệm hàng Thái là đồ tốt, giá rẻ, mẫu mã đẹp...

“Nếu như phải lựa chọn hàng Việt và hàng Thái thì thường người ta sẽ lựa chọn hàng Thái và doanh nghiệp Việt đang bị thu hẹp thị phần. Nếu như DN Việt muốn cạnh tranh lại với hàng Thái nên nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Nghĩa nói.

Một khía cạnh khác cũng được đề cập. Đó là giá thành thực phẩm sạch. Các nông sản sạch như rau vô cơ, thịt sạch… thường có giá thành cao hơn nhiều so với các mặt hàng phổ biến. Do đó, đối với những người tiêu dùng có mức sống bình dân thì việc có thể tiếp cận được với những dòng sản phẩm sạch này là tương đối khó khăn.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng khẳng định: doanh nghiệp Việt hiện đang đứng trước thách thức lớn về sức ép và lỗ hổng trong hệ thống bán hàng. DN nào có hệ thống phân phối sâu rộng chiếm được ưu thế trên thị trường và ngược lại.

Trong cuộc chiến giành lại thị phần, các chuyên gia nhận định: những doanh nghiệp Việt không chịu thay đổi sẽ “chết”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm