Hàng trôi nổi gắn mác “đồ nhà quê”

Tràn lan “đồ nhà quê” trên mạng lẫn chợ

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng sợ thực phẩm bẩn, rất nhiều trang web bán thực phẩm ở nhà quê ra đời. Những thực phẩm ở quê sản xuất được bán với giá cao hơn nhiều so với hàng sản xuất đại trà, ngoài việc bán được giá cao những thực phẩm này bán rất đắt hàng.

Tâm lý người tiêu dùng chọn hàng trồng ở quê vì tin rằng không có hóa chất. Ảnh: Internet

Ngoài những người bán hàng tự sản xuất ở quê thật sự thì cũng có những gian thương mua lại lấy hàng trôi nổi trên thị trường rồi giới thiệu hàng dưới quê  hoặc trộn chung với những sản phẩm lấy ở quê lên rồi quảng cáo hàng của người ở quê mình gửi lên bán và giới thiệu hàng không phân, không thuốc hóa học, không chất bảo quản. Nhờ vào sự giới thiệu của người bán một cách chuyên nghiệp nhiều người phải bỏ ra số tiền lớn hơn với giá thực chất của sản phẩm.

Hiện nay xuất hiện nhiều trang web quảng cáo là thực phẩm ở quê, Chị Lê Hồng Đào, quận Tân Phú cho biết “tôi làm việc ở một công ty thiết kế, không có nhiều thời gian để đi chợ nên rất thường vào những trang web quảng cáo để mua hàng ở quê cho sạch, giá rau và trái cây trên một số trang bán online cao hơn so với giá của một số chợ vì người bán bảo là hàng quê. Thật sự tôi không biết có chắc là thực phẩm ở quê không nhưng mua như vậy trong lòng cũng thấy an tâm hơn”.

Nhiều người không có thời gian đi chợ nên cũng chọn những trang web bán hàng ở quê. Ảnh: NV

Ngoài việc xuất hiện trên các web, việc bán hàng ở quê còn xuất hiện rất nhiều ở các chợ. Những nơi bán những loại hàng này thường không có sạp mà bày bán ở nơi nào có chỗ trống nào đó rồi quảng cáo là hàng nhà quê. Một lần tôi hỏi khách mua chị có biết sao là hàng ở quê không mà chấp nhận mua với mức giá cao hơn thông thường? chị khách hàng trả lời “người ta quảng cáo vậy thì chắc hàng ở quê rồi, còn phân biệt thì tôi không biết phân biệt ra sao”.

Nhiều hàng hóa gắn mác thực phẩm quê chưa được kiểm soát chất lượng. Vì vậy khi mua thực phẩm, người tiêu dùng nên có cách lựa chọn khôn ngoan, tránh vì lời giới thiệu không có căn cứ mà mua nhằm hàng trôi nổi với mức giá cao hơn. Với một số người vì lợi nhuận họ dùng một số “thủ thuật” để biến hàng nuôi công nghiệp thành hàng tự nhiên mà người dùng không biết.

Theo quy định, thực phẩm an toàn phải được dán tem an toàn, ghi mã số của cơ sở sản xuất, công khai giá cả. Nếu không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn trên sản phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nghi ngờ tính trung thực của sản phẩm.

Có thể bị xử lý hành vi

Theo luật sư Đặng Thành Trí,  tại điểm a, b khoản 5 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì hành vi quảng cáo “lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo” và hành vi quảng cáo “sai sự thật,  không đúng chất lượng, công dụng, chủng loại của hàng hóa” sẽ bị phạt tiền 50-70 triệu đồng.

Ngoài ra, việc sử dụng "thủ thuật" để biến hàng nuôi công nghiệp thành hàng tự nhiên nếu không bảo đảm an toàn thực phẩm thì tuỳ tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm