Người lớn khỏe mạnh có cần uống sữa?

Sữa là thực phẩm thiết yếu và bổ dưỡng trong cuộc sống bởi những lợi ích mà chúng mang lại. Sữa cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể bao gồm chất đạm, canxi, vitamin D, vitamin A, vitamin B12, B2, PP, phospho, kali và magne… Đặc biệt, theo ThS-BS Trần Thị Hồng Loan, Viện Dinh dưỡng NutiFood, đạm whey trong sữa và canxi sữa là loại đạm và canxi có giá trị sinh học cao nhất vì rất dễ tiêu hóa hấp thu.

Tuy nhiên, từ trước đến nay chúng ta chỉ quan tâm đến việc dùng sữa cho trẻ nhỏ mà quên đi việc bổ sung chúng cho người trưởng thành và trung niên.

Vậy người trưởng thành và trung niên liệu có cần uống sữa? 

Trả lời câu hỏi này, ThS-BS Trần Thị Hồng Loan cho biết: "Các nghiên cứu đã chứng minh việc dùng sữa thường xuyên hằng ngày đối với người lớn sẽ giúp không chỉ tăng cường sức khỏe của xương, phòng chống loãng xương mà còn giúp giảm nguy cơ cao huyết áp, giảm cả nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Sữa không chỉ tốt cho trẻ em mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người lớn. Ảnh: Internet

Sữa cũng là loại thực phẩm dễ sử dụng, không mất nhiều thời gian chế biến nên sẽ rất tiện lợi khi sử dụng".

Sử dụng sữa cho người trưởng thành và trung niên như thế nào cho hợp lý?

Cũng theo ThS-BS Hồng Loan: "Trong sữa tươi nguyên chất thì thành phần chất béo chiếm khá cao do đó cung cấp nhiều năng lượng và dễ làm tăng cân, nếu uống sữa có đường thì càng nhiều năng lượng hơn và cân nặng càng dễ tăng hơn. Chất béo trong sữa nguyên chất chủ yếu lại là béo bão hòa nên nếu dùng nhiều sẽ không tốt cho mỡ máu, huyết áp và tim mạch. Do vậy, đối với người không muốn tăng cân, thừa cân béo phì, người mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp hay bệnh tim mạch, kể cả người bệnh gan mật (vì gan và mật cần thiết để chuyển hóa chất béo) và người tiểu đường tuýp 2 thì không nên uống sữa nguyên béo mà nên thay thế bằng các loại sữa tách béo/ ít béo và không đường hoặc các loại sữa đặc trị bệnh (là sữa đã được điều chỉnh lại thành phần cho phù hợp với bệnh).

Người bệnh viêm đại tràng mãn hay bị hội chứng ruột kích thích cũng không uống được sữa béo và có thể thay thế bằng sữa đậu nành canxi cho tới khi bệnh ổn định".

Nên kết hợp sữa và đa dạng thực phẩm để bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Ảnh: Internet

Thêm vào đó, BS Loan khuyên do sữa nguyên chất chứa ít chất sắt, là chất cần để tạo máu nên người lớn cần kết hợp uống sữa vừa phải (lượng phù hợp khoảng 1-2 ly/ngày) với chế độ ăn lành mạnh, đa dạng thực phẩm để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.

Ngoài ra, vì thành phần sữa nguyên chất có chứa đường lactose (còn gọi là đường sữa), để tiêu hóa đường sữa này, cơ thể chúng ta cần có men lactase ở ruột non. Những người bị thiếu men lactase tạm thời do không thường xuyên uống sữa lâu ngày sẽ dẫn tới dễ bị rối loạn tiêu hóa (đau bụng, đầy hơi, tiêu lỏng…) khi uống sữa. Trong trường hợp này, cần tập làm quen với sữa từ từ trở lại (như uống sữa từng ít một, pha loãng sữa, uống sữa sau khi ăn nhẹ…) để kích thích đường tiêu hóa tạo lại men lactase. Người lớn bị thiếu men lactase bẩm sinh cũng sẽ không dung nạp được sữa và cần chọn các loại sữa đậu nành canxi (không có đường lactose) hay sữa đã tách thành phần đường sữa còn gọi là sữa lactose-free để dùng thay thế.

Như vậy, dù là người lớn hay trẻ nhỏ chúng ta đều nên uống sữa và kết hợp thực phẩm lành mạnh để cơ thể khỏe mạnh và phát triển tốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm