Nhúng trái cây vào hóa chất có thể bị phạt nặng

Sầu riêng là một trong những loại trái cây bị ép chín bằng hóa chất nhiều nhất. Ảnh: Internet

Những cách “tắm” hóa chất

Theo các nguồn thông tin thì có một số hình thức đưa hóa chất vào cây trái đáng lo ngại như: “Tẩm” để tươi lâu, hiện tượng trái cây được giữ tươi lâu, thậm chí là 4-6 tháng chỉ có thể do trái cây được tẩm ướp với các hóa chất cấm sử dụng như thuốc diệt cỏ CO 2,4D, hóa chất có gốc clo. Đây là các chất giúp tiêu diệt các loại vi sinh vật bám vào trái cây. Nếu nhúng vào dung dịch các chất này, trái cây không những bảo quản được lâu hơn mà còn có vẻ ngoài cứng hơn, tươi hơn.

Thúc cho mau chín, trái với việc cần giữ tươi lâu, thì một số loại trái cây lại được thúc chín ép hàng loạt như mít, sầu riêng... Khi được sử dụng hóa chất thúc chín thì các loại quả này cũng có mùi thơm nhưng khi ăn thì thấy sượng và vị không ngọt. Dung dịch dùng để thúc chín ép trái cây có chứa carbendazim và tebuconazol. Đây là hai chất được dùng chủ yếu để trị nấm bệnh trên cây trồng.

Các loại hóa chất vừa nêu trên đều không được sử dụng trong việc thúc chín hoặc ủ để tươi lâu cho trái cây, bởi nó gây độc hại không chỉ cho sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây hại cho môi trường. Carbendazim phá hủy quá trình tháo nếp gấp của nhiễm sắc thể có thể gây ung thư và vô sinh. Tebuconazol cũng đã được FDA đưa vào danh sách các chất gây ung thư.

Lúng túng trong chọn trái cây sạch

Theo cô Nguyễn Thanh P., một tiểu thương ở chợ Phường 20, cho hay: “Thông thường tôi lấy trái cây từ các chợ đầu mối, nhìn bề ngoài rất khó nhận biết được trái cây có nhúng thuốc hay không, khách mua chủ yếu cũng là khách quen, tôi vẫn chưa nghe ai nói gì về chất lượng”.

Bà Lê Thị H., nhà ở quận Tân Phú, cho biết: “Thông thường khi mua trái cây tôi cũng không chắc trái cây như thế nào là an toàn, chỉ nghe những lời truyền miệng là những trái nào nhỏ và không bóng láng thì mua, vì tôi được biết là những loại nào giữ được lâu và bóng láng thì toàn ngâm hóa chất”.

Bên cạnh đó, táo cũng là một loại trái cây được "tắm" nhiều hóa chất. Ảnh: Internet

Hình thức xử phạt khi lạm dụng những chất này

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền; các mức phạt tương ứng với các hành vi cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất được phép sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, tang vật thu được sẽ bị áp dụng biện pháp tiêu hủy để khắc phục hậu quả.

Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 244 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cụ thể, luật quy định người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm