Lũ hoành hành ở miền Tây Nam Bộ

Hồi 13 giờ ngày 23-9, một cơn áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới đã hình thành ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Cơn áp thấp có sức gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, khả năng gây mưa giông mạnh và lốc xoáy, ảnh hưởng trực tiếp tới các vùng biển từ Ninh Thuận đến Kiên Giang, Cà Mau. Điều này khiến tình hình mưa lũ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) càng thêm căng thẳng.

Đồng Tháp mất trắng 200 ha lúa

Ngày 23-9, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, một đoạn đê bao bảo vệ sản xuất lúa vụ ba dài chừng 20 m thuộc ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự đã bị vỡ. Chưa đầy 30 phút sau, nước lũ đã tràn vào đồng với mức nước cao gần 3 m. Toàn bộ 200 ha lúa đang ở giai đoạn trổ bị nhấn chìm, thiệt hại ước tính 6 tỉ đồng. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát, bảo vệ những tuyến đê xung yếu đang có nguy cơ bị vỡ.

Ông Hồ Văn Thống, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết đến nay có khoảng 700 học sinh theo học ở sáu điểm trường tại thị xã và huyện Hồng Ngự phải nghỉ học do trường bị ngập sâu hoặc đường đến trường thiếu an toàn. “Với các trường bị ngập hay bị lũ chia cắt, Sở đồng ý cho học sinh nghỉ học ngay để đảm bảo an toàn. Tỉnh yêu cầu phải hạn chế việc đưa rước học sinh thiếu an toàn, trước hết cần ưu tiên bảo vệ tính mạng cho học sinh” - ông Thống cho hay.

800 học sinh An Giang đi học bằng xuồng trong lũ

Theo dự báo ngày 23-9 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn An Giang, diễn biến mưa lũ trong những ngày tới rất phức tạp. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang tiếp tục lên nhanh, 5-7 cm/ngày. Ðến ngày 27-9, mực nước tại Tân Châu có khả năng đạt mức 4,55-4,65 m, vượt báo động 3. Mực nước tại Châu Đốc có thể ở mức xấp xỉ hoặc vượt báo động 3.

Lũ hoành hành ở miền Tây Nam Bộ ảnh 1

Nhiều học sinh tại Kiên Giang và An Giang đang phải bơi xuồng vượt lũ đến lớp. Ảnh: VĨNH SƠN

Trước tình hình đó, UBND tỉnh An Giang đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, địa phương khẩn trương có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, ra sức bảo vệ hơn 130.000 ha lúa vụ thu đông. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, cho biết đến nay tỉnh chưa có trường học nào phải đóng cửa. Toàn tỉnh hiện còn 809 học sinh vùng đầu nguồn phải đi học bằng xuồng, ghe hoặc đưa rước bằng đò. “Tỉnh đã chỉ đạo Sở và các địa phương tổ chức đưa rước học sinh đến trường an toàn. Ngày 23-9, Sở đã phát thêm 200 áo phao và cặp phao cho những học sinh phải đến trường bằng đường thủy. Đến nay, toàn bộ số học sinh thuộc diện này đều đã được trang bị áo phao, cặp phao” - ông Bình cho biết.

Được biết sau tám ngày xả lũ ở đập cao su Tha La và Trà Sư (Tịnh Biên, An Giang), vùng bên trong đập thuộc huyện Tịnh Biên có nhiều tuyến đê bao sản xuất lúa vụ ba mấp mé ngập. Trong những ngày tới, với sức lũ lên nhanh thì ở vùng này có khả năng vỡ đê hoặc lũ tràn. Nhiều nông dân đã đề nghị chính quyền đóng cửa đập nhằm hạn chế nước lũ tràn về. Ở các vùng sản xuất lúa ba vụ mới lên đê bao thuộc huyện Châu Phú, Châu Thành cũng bị nước lũ đe dọa diện tích lúa vụ ba.

Miền Trung mưa rất lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 24-9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục có mưa, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 200 mm. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên, có nơi trên báo động 2. Riêng các sông ở Thừa Thiên-Huế có khả năng lên mức báo động 3. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi.

Ông Vũ Kiên Trung, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, cho biết: Hiện nay các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Thuận và TP.HCM đang có 1.523 tàu hoạt động trên biển, trong đó có 42 tàu của Bình Thuận đang hoạt động trong vùng thời tiết nguy hiểm.

H.VÂN - T.PHƯƠNG

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm