4 cách tránh lộ thông tin khi quẹt thẻ

Khách hàng các cửa hàng Thế Giới Di Động chưa hết bàng hoàng khi nghi vấn rò rỉ dữ liệu thông tin giao dịch thẻ ngân hàng (NH) của khách chưa được làm sáng tỏ thì chỉ ba ngày sau, tức 10-11, trên diễn đàn RaidForums, dữ liệu được cho là của chuỗi bán lẻ Con Cưng (concung.com) cũng bị tung lên.

Từ câu chuyện trên cho thấy cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo người tiêu dùng về thói quen khi sử dụng thẻ tín dụng. 

Những khách hàng ngơ ngác

Lộ thông tin thẻ tín dụng dẫn đến mất tiền oan phổ biến đến nỗi có hẳn một thế giới ngầm của nhóm hacker chuyên tấn công mạng để gom “CC chùa” (thẻ tín dụng bị đánh cắp), sau đó rao bán để chạy quảng cáo Facebook, mua hàng trên mạng…

Chị Hoàng Hạnh Nhung ở Hà Nội chia sẻ: “Trong một lần thanh toán bằng thẻ tín dụng tại một trung tâm điện máy, tôi thấy nhân viên thu ngân sau khi cà thẻ, trừ tiền hóa đơn còn tự tay nhập toàn bộ dãy số trên thẻ tín dụng của tôi. Thấy vậy, ngay lập tức tôi yêu cầu quản lý đến và buộc phải hủy số thẻ mà nhân viên thu ngân đã tự ý ghi lại. Trước mặt mình họ xóa nhưng nếu họ cố tình ghi ra tờ giấy nào đó rồi sau đó nhập lại vào hệ thống thì mình cũng chẳng còn cách nào để kiểm tra”. 

Chuyên gia về thẻ ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Phúc, khuyến cáo: “Thực tế là tại khá nhiều điểm bán hàng hiện nay có hiện tượng nhân viên thu ngân chủ động nhập thêm toàn bộ số thẻ của khách hàng vào hệ thống dữ liệu để thuận tiện trong việc đối soát nội bộ... Điều này là vô cùng rủi ro cho chủ thẻ bởi ai có thể đảm bảo rằng việc bảo mật thông tin là tuyệt đối, hoặc ai có thể cam kết nhân viên của họ sẽ không mang thông tin đó ra bên ngoài hay tin chắc hệ thống cơ sở dữ liệu của họ không bị hacker tấn công”. 

Tổng giám đốc một NH thương mại cũng cho biết là rất nhiều người đưa thẻ tín dụng cho nhân viên nhà hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị mang đi thanh toán mà không có sự giám sát của chủ thẻ. Chính việc thiếu kiến thức để tự bảo vệ mình, chủ thẻ rất dễ đối mặt với nguy cơ trộm tiền, mất thông tin thẻ.

Khi chủ thẻ để thẻ thanh toán ở ngoài tầm mắt sẽ gánh chịu rất nhiều tình huống rủi ro có thể xảy ra. Ảnh: T.LINH

Chuyên gia cảnh báo

Để chủ động phòng ngừa bị lộ thông tin khi thực hiện thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến bằng thẻ, tài khoản NH và tránh rủi ro bị mất tiền oan, TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính NH, khuyến cáo:

Một là khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ gồm: Tên chủ thẻ, số thẻ, ngày phát hành, ngày hiệu lực, mã CVV... Thông tin xác thực thanh toán trực tuyến hoặc mật khẩu dùng một lần (OTP) là thông tin tuyệt đối không cung cấp cho bất cứ ai, kể cả người thân và cán bộ NH.

Hai là khách hàng cần phải cảnh giác ngay nếu có ai đó gọi điện thoại xưng là nhân viên NH, yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản thẻ. Không NH nào yêu cầu khách hàng cấp số thẻ, số tài khoản, thông tin cá nhân... chỉ để tăng cường bảo mật thông tin và càng không được phép hỏi khách hàng mật khẩu OTP.

Ba là trong trường hợp thẻ bị mất, đánh cắp, hoặc có bất kỳ nghi vấn nào về việc thông tin thẻ của mình bị lộ, chủ thẻ cần liên hệ ngay với NH phát hành thẻ để yêu cầu tạm khóa thẻ hoặc tạm khóa tính năng thanh toán trực tuyến để bảo đảm an toàn cho thẻ. 

Bốn là chủ thẻ cần hạn chế sử dụng máy tính, WiFi công cộng khi thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến. Nếu sử dụng những phương tiện kết nối này, người dùng thẻ tắt chế độ tự động lưu bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ của mình trên các trình duyệt Internet để hạn chế rủi ro mất thông tin cá nhân.

Cách hacker đánh cắp và bán lại thông tin thẻ

Chỉ cần gõ cụm từ mua “CC chùa” là sẽ có hàng loạt trang cung cấp thẻ tín dụng bị đánh cắp. Hiểu nôm na CCV-CC chùa, Visa chùa, Visa ảo… là tên gọi chung của thẻ Visa do hacker đánh cắp tại nhiều website mua bán trực tuyến có sử dụng thanh toán Visa. 

 “Nếu hack được một website tầm trung thì số Visa này mang lại rất nhiều lợi nhuận cho hacker. Ngoài việc dùng Visa chùa này vào việc mua bán hàng hóa trên mạng, thanh toán dịch vụ thì những Visa chùa này còn đem lại một nguồn lợi khủng cho các hacker nhờ việc đem bán lại cho người khác sử dụng” - một hacker tên N. kể.

Theo http://muaccv.blogspot.com, giá bán “Visa chùa” tương đương với lượng tiền có trong CCV. Cụ thể, CCV có sẵn 100-150 USD, giá 300.000 đồng; CCV có sẵn 150-200 USD, giá 400.000 đồng; CCV có sẵn 200-300 USD, giá  500.000 đồng… CCV có sẵn 1.000 - 1.500 USD, giá 2.000.000 đồng. 

Thậm chí trên trang này còn thông báo: “Chúng tôi chỉ bán ra CCV chùa có ngân sách dưới 1.500 USD. Nếu bạn cần mua CCV với số USD cao hơn, vui lòng đặt hàng để chúng tôi chuẩn bị trước khi bán cho các bạn. Chú ý là CCV với ngân sách càng cao thì giá sẽ càng đắt”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.