“A lô” cho thừa phát lại

Ở miền Nam nước ta trước 1975, tổ chức thừa phát lại (TPL) đã tồn tại trên 50 năm, sau đó mới bị hủy bỏ. Hoạt động của TPL hỗ trợ đáng kể cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, giúp người dân tạo lập chứng cứ có giá trị pháp lý. Hiện TP.HCM đang chuẩn bị thành lập thí điểm lực lượng TPL.

Tạo lập chứng cứ

A và B là hàng xóm láng giềng. Chỉ vì chuyện con chó của ông A “tè bậy” ngay cửa nhà bà B, bà B bực mình chửi đổng. Thấy chuyện nhỏ xíu mà bà B. làm lớn chuyện, ông A nổi máu nóng, cầm khúc gỗ qua “dạy” cho bà một bài học. Người nhà hốt hoảng chạy kiếm công an phường. Ai dè công an đủng đỉnh: “Mới cãi nhau thôi hả? Khi nào... có máu sẽ tính!”.

Câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt này phản ánh một thực tế phổ biến. Khi có chuyện vượt quá khả năng dàn xếp của mình, người dân thường cầu cứu đến công an. Song không phải mọi việc đều thuộc chức năng của ngành và công an cũng không tài nào đáp ứng được tất cả các yêu cầu. Thành thử đã có nhiều yêu cầu tương tự rất chính đáng, cần thiết, có giá trị trong việc tạo lập các chứng cứ khi xảy ra tranh chấp nhưng người dân đã chẳng biết phải xoay xở như thế nào cho hợp pháp.

Tương tự, C bắt quả tang chồng đang “tò tí” với tình nhân. C đã tổ chức chụp ảnh, viết giấy yêu cầu chồng và “tình địch” ký tên thừa nhận việc có quan hệ bất chính. Kỳ công vậy nhưng đến khi xin ly hôn, tòa án lại cho rằng các hình ảnh, giấy tờ đó chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị chứng cứ vì không được thiết lập bởi cơ quan chức năng.

Một trường hợp khác, dù đã lấy đủ tiền nhưng D vẫn không đi làm thủ tục chuyển nhượng đất cho người mua. Tòa án ra quyết định buộc hai bên phải ra công chứng và nếu quá một tháng mà không làm, bên nào có lỗi sẽ phải bồi thường hợp đồng. Mấy lần người mua kiếm D để đi chứng hợp đồng nhưng D đều lần lựa, né tránh. Người mua phải làm sao để chứng minh chuyện lỗi, phải của đôi bên?

Thực ra nếu có TPL thì các chuyện nêu trên sẽ được xử lý rất đơn giản. B, C, người mua chỉ cần mời TPL đến tận nơi lập biên bản ghi nhận sự việc, miêu tả tình tiết liên quan... Văn bản do TPL lập có giá trị chứng cứ, “linh thiêng” hơn lời khai của đương sự, của nhân chứng và các văn bản do những người này tự lập. Thông qua đó, người dân cũng sẽ thấy thoải mái hơn, không mang tâm lý “cầu cạnh” nhà nước khi có việc mà các nhu cầu và quyền lợi hợp pháp của họ vẫn được bảo đảm.

Hỗ trợ việc thi hành án

Lâu nay, nhiều người hay than phiền việc án xử xong lại không được thi hành chỉ vì người phải thi hành án cứ chối bai bải “Không có tiền, không có tài sản!”. Do pháp luật chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát thu nhập, tình trạng tài sản, tài chính của tổ chức và cá nhân nên việc xác minh tài sản của người phải thi hành án gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự tích cực, nhiệt tình của chấp hành viên.

Có điều các chấp hành viên lại đang đảm nhận một lượng lớn công việc nên khó có thể chu toàn việc xác minh. Thông thường họ chỉ xác minh nhà và đất thông qua UBND phường nơi người phải thi hành án cư trú. Nếu là doanh nghiệp thì có thêm động tác xác minh tài khoản tiền gửi ở ngân hàng. Nhiều khi chấp hành viên không đến trực tiếp mà chỉ gửi cho UBND phường văn bản yêu cầu xác minh. Có nhiều trường hợp người được thi hành án chỉ rõ được tài sản của người phải thi hành án nhưng khi xác minh cụ thể thì tài sản đó do người khác đứng tên hoặc chưa rõ của ai...

Chưa kể các chấp hành viên còn phải “ôm đồm” đủ thứ lắt nhắt như tống đạt các giấy báo quyết định thi hành án, giấy báo tự nguyện thi hành án, giấy mời đến làm việc. Trong một vụ đang thi hành án, mỗi lần phát sinh cái mới hoặc có sự thay đổi lại tống đạt thêm văn bản, quyết định mới. Rồi nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thì còn phải gửi cho các đương sự quyết định cưỡng chế thi hành án, giấy mời định giá, quyết định bán tài sản, giấy mời tham dự đấu giá, thông báo giao tài sản... Khi chấp hành viên “quá tải”, các hồ sơ sẽ “rủ nhau” trễ nải và tất nhiên, người bị thiệt chính là người được thi hành án.

Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết theo lộ trình, TP.HCM sẽ thành lập thí điểm lực lượng TPL vào cuối năm 2008. Chỉ cần TPL làm giúp các việc như tống đạt các quyết định, giấy tờ về THA; xác minh điều kiện THA... sẽ giảm tải được khoảng 30% khối lượng công việc cho chấp hành viên để họ tập trung vào nghiệp vụ chuyên môn.

Ngoài ra, nhiều người còn bất bình “không nhận được” hoặc “nhận trễ quá” giấy triệu tập của tòa... Họ đã không thể thu xếp thời gian, chuẩn bị hồ sơ, mời luật sư... khiến quyền lợi của họ ít nhiều bị ảnh hưởng. Phía tòa án thì cho rằng các đương sự đã bày chuyện để đối phó với tòa, gây khó khăn cho đối phương vì tòa đã tống đạt kịp thời, đầy đủ các giấy tờ liên quan. Ai có đủ thẩm quyền phân định đúng, sai, hạn chế những khiếu nại hay sự cố không đáng có này? Chính TPL sẽ giao tận tay người nhận các giấy tờ liên quan, có ký nhận ghi rõ thời gian, địa điểm tống đạt; nếu không gặp được người nhận thì phải giao cho thân nhân đã thành niên ở cùng địa chỉ; nếu không có người nhận thì lập biên bản về việc đã phát hành văn bản đó lần thứ mấy...

- Tại Pháp, hoạt động độc quyền của TPL gồm hai lĩnh vực: tống đạt văn bản và thi hành các quyết định về dân sự-kinh tế của tòa. TPL đến nơi ở của đương sự để trao cho họ văn bản mang tính chất tư pháp hoặc pháp lý đơn thuần, tạo thuận lợi cho các đương sự thực hiện, không thể trì hoãn. Trong việc thi hành án, TPL vừa có nghĩa vụ tư vấn, chỉ đạo thủ tục thi hành án, thỏa thuận với bên được thi hành án, vừa lựa chọn cách thức thi hành án tốt nhất. Trong trường hợp phải cưỡng chế, TPL có quyền yêu cầu cảnh sát hỗ trợ.

- Tại Anh, trường hợp con nợ không trả nợ theo bản án của tòa, người được THA có thể nộp đơn lên tòa nhờ TPL giúp thi hành án.

Khi thi hành lệnh kê biên tài sản của con nợ, TPL có quyền đột nhập vào nhà của con nợ một cách nhã nhặn. Chỉ trong trường hợp thực hiện lệnh trục xuất do con nợ không trả tiền thuê nhà, TPL mới có thể dùng vũ lực xâm nhập gia cư và đưa con nợ ra khỏi nhà.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm