À Ra Thế: ‘Cãi bay tóc’ để thấm luật!

Sau ba năm gián đoạn, À Ra Thế tái xuất và nhận được sự hưởng ứng bất ngờ của bạn đọc. Con số thư dự chơi qua bốn đợt trong chưa đầy một tháng được ban tổ chức công bố sáng 12-9 không phải là cao nhưng thật đáng khích lệ.

Cãi “tay đôi”, cãi “không dứt”…

Luật sư-TS Phan Đăng Thanh, cha đẻ của sân chơi này, đến dự buổi giao lưu, trao giải “như là để thử sức xem mình còn có thể đứng trên bục giảng bao lâu sau thời gian bị bệnh vừa qua”. Ông chia sẻ: “Con số người dự chơi là quan trọng nhưng quan trọng hơn là hàng ngàn, hàng vạn người theo dõi để hiểu thêm về luật, nắm chắc, nắm sâu thêm về luật. Giống như trong bóng đá, đội bóng có mười mấy người vào cuộc chơi nhưng có đến hàng triệu khán giả theo dõi, cổ vũ, bình luận…”.

Buổi giao lưu nóng lên khi nhiều bạn đọc “cãi tay đôi” với ban giám khảo về đáp án của các đề thi. Ông Đỗ Văn Của (Bình Dương) góp ý: “Có nhiều tình huống nói A đúng cũng có lý, nói A sai cũng có lý nên chúng tôi rất ấm ức. Tôi cũng mang theo ấm ức đến buổi giao lưu này. Ví dụ như đề đợt 1 đặt ra tình huống nam sinh 17 tuổi giao cấu với bạn gái 15 tuổi mang thai nhưng đáp án là nam sinh không phải chịu trách nhiệm hình sự vì nam sinh đang ở độ tuổi vị thành niên. Đáp án như thế là không đủ sức răn đe, không thể hiện quan điểm bảo vệ trẻ em…”. 

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Kiểm sát cấp cao tại TP.HCM) giải thích bên cạnh việc bảo vệ trẻ em, pháp luật về hình sự cũng đã cân nhắc về độ tuổi của chủ thể chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi giao cấu với trẻ em. “Luật đã quy định rành rành như thế, không xử lý khác được!”. Ông Của vẫn chưa hết ấm ức: “Tôi biết ban giám khảo trả lời đúng luật rồi nhưng mà tôi vẫn cứ ấm ức và muốn có ý kiến để các nhà làm luật xem có thể điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế được không. Bởi hiện nay các em tuổi vị thành niên làm chuyện người lớn nhiều lắm!”.

 
Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm trao giải khuyến khích cho bạn đọc. Ảnh: HUỲNH TRÍ DŨNG

Bạn đọc Nguyễn Đức Thành (sinh viên Trường ĐH Trần Đại Nghĩa) cũng ấm ức không kém: “Đáp án đề số 4, ôm cua theo lề phải cũng phải bật đèn xi nhan làm em rất băn khoăn. Em đã từng đọc bài báo có ý kiến phát biểu của Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT, Công an TP.HCM, là ôm cua theo đường cong, không ngã rẽ, không chuyển làn thì không phải bật đèn xi nhan…?”.

Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, đại diện Phòng CSGT, đến tham dự giao lưu lý giải: “Lưu ý theo đề là người điều khiển phương tiện giao thông đến giao lộ (ngã ba chữ Y). Theo Điều 15 Luật Giao thông đường bộ, khi đến giao lộ, muốn chuyển hướng thì phải giảm tốc độ và bật xi nhan báo hướng rẽ. Trường hợp đồng chí trưởng phòng đã trả lời báo chí là trong tình huống ôm cua theo đường cong, không phải giao lộ. Khi ấy có ngã rẽ đâu mà phải bật tín hiệu báo rẽ…”.

Đối với đề đợt 2, xe gây tai nạn khi dừng đỗ trong sân bay, có bạn đọc bảo: “Đề chỉ cho chọn đáp án A hoặc B nhưng theo tôi C mới đúng!”. Ban tổ chức càng tá hỏa khi cuối phần giao lưu lại xuất hiện tình huống “đấu nhau” chan chát giữa hai giám khảo, chuyên gia giải đề: Luật sư Nguyễn Văn Hậu có quan điểm khác với đáp án mà nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng đưa ra cho đề đợt 2 này.

Đành phải nhờ đến “Hậu À Ra Thế”. Khi ấy các bên tha hồ cãi tiếp. Và “Càng cãi sâu, càng nhớ lâu!”.

Luật đi vào cuộc sống

Đến dự buổi giao lưu từ rất sớm là vợ chồng ông Lê Quang Truyện và bà Bùi Mỹ Ngọc (Thuận An, Bình Dương). Ông là nông dân, còn vợ là tiểu thương buôn bán ở chợ Lái Thiêu. Ông Truyện rất tự hào mình là “người nông dân rành luật”. Vợ ông cho biết từ khi nhiều người cùng tham gia CLB À Ra Thế, người dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách ở địa phương hiệu quả hơn.

Nổi bật trong buổi giao lưu là anh Vũ Đức Tưởng (Bình Phước), người đã rinh tới… ba giải trong bốn đợt thi kỳ này. Anh Tưởng là chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Hớn Quản. Nhiều lần “nát óc” với À Ra Thế, anh vận động bạn bè, đồng nghiệp và người dân cùng tham gia để hiểu thêm về luật pháp. Anh chia sẻ: “À Ra Thế rất đời thường, rất vui và thiết thực cho mọi người, tôi sẽ theo sát chương trình vì nó phục vụ cho công việc của tôi”.

Nhiều sinh viên ở Học viện Hành chính quốc gia, ĐH Trần Đại Nghĩa đã lập những nhóm chơi chung để “giải đề” À Ra Thế. Bạn Nguyễn Văn Xuân (Học viện Hành chính quốc gia), giành giải nhất đợt 1, cho biết: “Đề thi rất thiết thực với đời sống. Các bạn cùng phòng cũng mê sân chơi này, bàn cãi với nhau suốt. Bạn em cũng đạt giải khuyến khích nữa”.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo, nhấn mạnh: “Đây là sân chơi để bạn đọc tìm hiểu pháp luật, đúng theo tinh thần “Không được giải cũng được luật”. Qua cuộc thi này, chúng tôi mong rằng luật sẽ ngày càng đi sâu vào đời sống. Cuộc thi này thành công là nhờ có sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc, các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ trong việc ra đề, giải đề, phân tích, giải đáp các vấn đề pháp luật liên quan. Chúng tôi mong bạn đọc tiếp tục ủng hộ để À Ra Thế ngày càng hấp dẫn, phát triển”.

Tiến sĩ-luật sư PHAN ĐĂNG THANH:

Tiến sĩ đi hỏi luật là chuyện bình thường

À Ra Thế: ‘Cãi bay tóc’ để thấm luật! ảnh 2
 

Lúc còn phụ trách, tôi như người làm trọng tài ở sân chơi này. Mà đâu phải lúc nào mình cũng đúng, chuyện gì mình cũng biết. Có những chuyện thấy cãi nhau dữ quá, tôi phải đi tìm các anh làm ở cơ quan này, cơ quan kia để hỏi ý kiến. Tôi không sợ ai nói sao tiến sĩ còn phải đi hỏi. Và cũng không ngại, không buồn khi có người bảo tiến sĩ gì mà còn nói sai. Luật là vậy, học hỏi nhau là chuyện thường.

Nguyên Thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM PHẠM CÔNG HÙNG:

Người chơi cãi nhau “bay cả tóc”

À Ra Thế: ‘Cãi bay tóc’ để thấm luật! ảnh 3
 

Có nhiều quy định pháp luật mà cãi nhau bay cả tóc cũng chưa ra. Các tình huống cuộc thi đưa ra hay ở chỗ là mở ra cơ hội cãi nhau. Sau khi cãi miệt mài thì người chơi có thể kêu lên một cách thú vị “À ra thế!”. Từ đó sẽ in sâu vào đầu những quy định của pháp luật điều chỉnh các ngóc ngách của cuộc sống.

Ông HOÀNG CHƯƠNG, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM:

Mới tái xuất, cuộc chơi đã lan tỏa

À Ra Thế: ‘Cãi bay tóc’ để thấm luật! ảnh 4
 

Cuộc thi đã được tổ chức thành công từ nhiều năm trước, năm 2007 đã được trao giải Báo chí TP, là công trình tập thể góp phần có hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Qua bốn đợt thi trong vòng chưa đầy một tháng vừa qua, cuộc thi đã thu hút hơn 12.000 lượt bạn đọc dự thi, trong đó có những bạn ở xa như Lào Cai, Yên Bái, Cà Mau… Điều đó cho thấy sức lan tỏa rộng của tờ báo và cuộc thi À Ra Thế.

Anh SỸ DANH NGHĨA (Bình Phước):
À Ra Thế: ‘Cãi bay tóc’ để thấm luật! ảnh 5
 

Mong sân chơi được duy trì đều đặn

Tôi mong mỏi sân chơi này được duy trì đều đặn để mọi người tham gia tìm hiểu luật. Việc bàn luận, tranh cãi cũng là cơ hội để người dân học luật, góp ý hoàn thiện luật để các nhà làm luật có thể xem xét điều chỉnh luật cho phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm