Án “chồng” án, trả nhà cho ai?

Bà Nguyễn Tố Loan (17 Nguyễn Thiệp, quận 1) đang sốt ruột, lo lắng vì lỡ mua nhà không đúng chủ. Người bán không chịu trả vàng cho bà, còn căn nhà thì cơ quan thi hành án đang chuẩn bị lấy lại để giao cho... người khác.

Năm 2003, biết bà Trần Thị Bích đang đứng tên thuê của nhà nước căn nhà 17 Nguyễn Thiệp, bà Loan đã ký hợp đồng “mua” nhà này với giá 370 lượng vàng. Chừng làm thủ tục sang thuê, bà Loan tá hỏa khi được biết căn nhà trên không còn thuộc sở hữu của nhà nước vì Bộ Xây dựng đã có quyết định trả lại nhà cho chủ cũ.

Năm 2004, Công ty Quản lý nhà quận 1 đã hủy bỏ hợp đồng cho thuê nhà đối với bà Bích. Điều này đồng nghĩa với việc bà Loan và bà Bích không thể thực hiện được hợp đồng sang nhượng nhà. Bà Loan bèn khởi kiện bà Bích ra tòa để đòi lại số vàng đã đưa.

Bản án phúc thẩm năm 2005 của TAND TP.HCM xử hủy hợp đồng sang nhượng nhà nêu trên, bà Bích có nghĩa vụ hoàn trả 370 lượng vàng cho bà Loan, phía bà Loan phải trả lại nhà cho bà Bích. Việc giao vàng, giao nhà được thực hiện cùng một lúc ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Cũng trong năm 2005, cơ quan Thi hành án dân sự quận 1 đã ra quyết định thi hành bản án nói trên. Tuy nhiên, vì bà Bích không trả vàng nên bà Loan chưa thể trả nhà. Việc thi hành án còn dùng dằng thì bất ngờ khoảng một năm sau, một bản án phúc thẩm dân sự khác của TAND TP.HCM xử buộc bà Bích phải trả căn nhà 17 Nguyễn Thiệp cho... người chủ cũ.

Như vậy, chỉ có một căn nhà nhưng bà Bích lại phải thực hiện hai nghĩa vụ khác nhau liên quan (!). Phải căn cứ vào bản án thứ nhất để giao nhà cho bà Loan hay phải căn cứ vào bản án thứ hai để giao nhà cho người chủ cũ? Thi hành án dân sự quận 1 đã thực sự lúng túng khi cả hai người được thi hành án đều giành căn nhà trên.

Thi hành án dân sự quận 1 đã cố gắng tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận về việc thi hành án. Kẹt nỗi chẳng ai chịu ai: Bà Loan nhất quyết không giao nhà khi chưa nhận được vàng; người chủ cũ tự nguyện hỗ trợ cho bà Loan một tỷ đồng nhưng bà Loan không đồng ý.

Không còn cách nào khác, Thi hành án dân sự quận 1 đã gửi công văn kiến nghị VKSND tối cao và TAND tối cao xem xét lại hai bản án trên. Hơn ba tháng trôi qua mà hai cơ quan này vẫn chưa có ý kiến phản hồi.

Theo chúng tôi, chính cách giải quyết thiếu bao quát của TAND TP.HCM là nguyên nhân gây ra mọi cớ sự. Khi xét xử phúc thẩm vào năm 2005, mặc dù đã đưa người chủ cũ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng tòa này lại dễ dàng đẩy bà ra rìa bằng cách cho bà khởi kiện sau. Kế tiếp, khi xét xử phúc thẩm vào năm 2006, mặc dù nhận được yêu cầu của bà Loan “xin được xem xét quyền lợi”, tòa này vẫn vô tư cho qua vì “quyền lợi của bà Loan đã được án phúc thẩm thứ nhất giải quyết rồi”. Cứ như thế, hai bản án phúc thẩm thay phiên nhau “ngáng chân” việc thi hành án.

Cần lưu ý, người chủ cũ đã được Bộ Xây dựng giao trả nhà vào năm 2002, tức trước thời điểm bà Loan giao dịch nhà. Để tháo được nút thắt trên, có lẽ VKSND tối cao và TAND tối cao cần khẩn trương xem xét lại bản án phúc thẩm thứ nhất theo thủ tục giám đốc thẩm. Sự chậm trễ, nhùng nhằng trong việc giải quyết lại vụ án chỉ làm cho sự việc càng bị kéo dài, gây ra những phức tạp không đáng có.

NGUYỄN QUỲNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm