Bấm huyệt trị bá bệnh (?)

“Tại ấp Long Mỹ, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (Long An) có “thầy” bấm huyệt trị được bá bệnh”. Từ thông tin do bạn đọc cung cấp, chúng tôi đã tìm đến địa chỉ trên tìm hiểu.

Thường xuyên đổi chỗ

Chạy theo quốc lộ 50, chúng tôi đến ấp Long Mỹ hỏi thăm “thầy bấm huyệt” thì hầu như ai cũng biết nhưng lại không biết ông đang ở đâu “vì “thầy” thường xuyên thay đổi nơi chữa bệnh. Mất 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được nơi mà người ta thường thấy “thầy” lui tới hành nghề.

Tại đây, một người đàn ông bước ra cổng hỏi: “Đến trị bệnh hay làm gì? Thầy chỉ trị ở đây vào thứ Hai, Tư, Sáu còn Ba, Năm, Bảy thì trị ở ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc”.

Đến xã Phước Hậu, chúng tôi được một bà bán quán nước đầu hẻm ân cần chỉ dẫn lối vào nhà “thầy”: “Cô tìm đúng nơi rồi, thầy này trị hay lắm. Ai viêm xoang, hở van tim, tai biến… chỉ cần đến bấm vài lần là khỏi ngay. Gần đây có con bé học thiệt dốt, đến “thầy” bấm huyệt vài lần giờ học 9, 10 điểm” (!).

Bấm huyệt trị bá bệnh (?) ảnh 1

“Thầy” Bảy đang ngồi trên bộ ván bấm huyệt cho người bệnh. (Ảnh chụp tại ấp Long Mỹ, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An) Ảnh: NH

Chỉ nghe đồn đoán

Ở chỗ “thầy” trị bệnh có khoảng 50 người đang ngồi từ trong nhà ra ngoài sân chờ đến lượt trị bệnh. Những người này không rõ “thầy” tên gì, nhà ở đâu, chỉ nghe nói lúc trước ‘thầy” ở chùa thuộc khu vực chợ Gạo, Cần Giuộc. Cách đây vài tháng, chủ căn nhà này gặp “thầy” và mời thầy về trị bệnh.

Trong nhà, một người đàn ông khoảng 50 tuổi, ăn mặc giống người tu hành đang dùng hai cây ấn mạnh từ đầu đến chân một người phụ nữ. Mỗi lần “thầy” ấn vào người, mặt chị lộ vẻ đau đớn. 10 phút sau đó, chị kể: “Lúc nãy có mấy lần tui rùng mình đó. Tôi bị hở van tim ba lá gần chục năm nay mà không hết, nhờ thầy trị xem có đỡ hơn không”.

Tiếp nữa có một bà già trên 70 tuổi bị đau khớp. Bà nói mấy ngày trước, bà bị đau nhức chân, tay có mua thuốc Tây uống giảm đau... Vừa nghe như vậy, “thầy” la lớn rằng đã trị bệnh ở đây thì không nên uống thuốc Tây, lần sau không được uống nữa.

Bên ngoài, chị Nguyễn Hồng K. góp lời: “Tôi ở quận 6 (TP.HCM) đi trị bệnh ở BV Chợ Rẫy mấy năm nay không khỏi, nghe người ta giới thiệu có thầy chữa được nhiều bệnh nên tôi tìm đến trị thử. Tôi bị đủ thứ bệnh, nào là bệnh tim, gan, phổi, nếu đi bệnh viện tốn kém rất nhiều. Trong khi đó mỗi lần “thầy” bấm thì chỉ cần gửi “thầy” vài chục ngàn đồng là được rồi. Tôi đi ba lần vẫn chưa thấy giảm nhưng tôi sẽ cố gắng đi thêm vài ngày nữa”.

Hành nghề chui, bịp người cả tin

Theo bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (Long An), “thầy” bấm huyệt kể trên tên thật là Nguyễn Văn Bảy, thường trú tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An, hành nghề không bằng cấp chuyên môn, không có giấy phép và thường đến nhà người dân ở địa phương để trị bệnh. Khi nghe người dân thông tin về địa chỉ hành nghề của ông, công an xã kết hợp với trạm y tế xã đã đến nơi nhưng không tìm thấy. Hai tháng trước, công an xã có tìm được ông và yêu cầu ông viết giấy cam kết ngưng hoạt động. Ngoài ra, xã cũng vận động người dân không nên tìm đến ông trị bệnh và không nên cho ông đến nhà mình hành nghề. Sắp tới, công an xã sẽ tiếp tục truy tìm, nếu bắt gặp ông vẫn còn tụ tập trị bệnh thì sẽ xử phạt hành chính.

Một trong các tiêu chí nằm lòng của ngành y học cổ truyền là “thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, có nghĩa là hễ thông thoáng thì không đau, đã đau thì nơi nào đó ắt hẳn bị nghẽn. Khi người bệnh bị đau nhức trong người thì có thể bấm vào các huyệt đạo giúp thông máu huyết nhưng bấm huyệt chỉ có tác dụng giảm hoặc hết các chứng đau nhức thông thường. Đối với các chứng tai biến, hở van tim, bệnh gan…, người bệnh nên kết hợp với Tây y để có thể chẩn đoán đúng và điều trị khỏi bệnh.

BS Đàm Văn Hưng, giảng viên khoa Đông y Trường ĐH
Y Dược TP.HCM

NGUYỄN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm