Bạn đọc chia sẻ mẹo dạy con tránh 'mẹ mìn'

Càng ngày càng thấy có nhiều các vụ bắt cóc trẻ em. Gần đây nhất là vụ bắt cóc, tống tiền bé trai 11 tuổi ở Bình Thuận và hung thủ đã sát hại bé. Điều đáng nói ở đây là kẻ bắt cóc và sau đó xuống tay sát hại bé lại là một người quen thân với gia đình. Từ đó mới thấy rằng dạy bọn trẻ cảnh giác với người lạ thì dễ dàng hơn rất nhiều lần dạy chúng cách cảnh giác với người quen, thân.

Không biết mọi người dạy con cảnh giác với người lạ thế nào để tránh bị bắt cóc. Còn mình, mình quan tâm đến điều này từ rất sớm. Ngay từ khi bé biết nói.

Sẽ có người cho rằng điều đó là quá sớm, vì trẻ con đâu có biết gì. Nhưng mình nghĩ không hề sớm đâu. Bọn trẻ có thể nghe hiểu và ghi nhớ rất nhiều điều. Quan trọng là truyền đạt cho chúng bằng những cách nào thôi.

Ảnh minh họa.

Ban đầu, mình nói cho bé nghe về chuyện bắt cóc theo cách thật dễ hiểu, có ví dụ, minh họa, gần gũi, phổ thông nhất... và nhắc lại thường xuyên như một cách ôn bài.

Mình nói cho con biết "mẹ mìn" là gì, rồi giải thích rất bình dân theo kiểu: Ừ thì "mẹ mìn" là kẻ bắt cóc đó. Nôm na là người xấu, bắt trộm trẻ con. Tiếp đó, nói cho con biết bắt cóc là gì, rồi giải thích cho contheo cách dễ hiểu: Bắt cóc là tự nhiên người ta bắt mất con, rồi đem giấu con ở một nơi nào đó mà mẹ không thể biết. Mẹ và con không thể tìm thấy nhau. Chúng ta không còn được ở bên nhau nữa...

Sau đó khẳng định lại với con: Vậy "mẹ mìn" có đáng sợ không? Bắt cóc có đáng sợ không? Tất nhiên rồi, sẽ rất đáng sợ.

Lúc này, mình đặt ra câu hỏi với con, vậy ta phải làm thế nào để không bị "mẹ mìn" bắt cóc nhỉ. Có nhiều cách đúng không. Ví dụ:

- Khi ai đó dắt con đi mà không phải mẹ, ba hoặc cô giáo (ở trường)... con không được đi theo.

-Khi người nào đó con không quen biết cho con kẹo bánh rồi kêu con đi theo, con cũng không nên nhận và không được đi theo.

- Khi ai đó không quen biết nói sẽ dắt con đi tìm ba, mẹ hoặc về nhà, con không được đi theo.

- Khi ai đó (kể cả người quen) nói rằng ba, mẹ nhờ họ đến đón con vì ba mẹ bận, bệnh... con cũng không bao giờ đi theo nhé. v.v...

Còn nếu trong trường hợp con đã làm hết những điều mẹ dặn nhưng người ta vẫn cứ cố bắt hoặc kéo con đi. Con hãy giẫy hết sức để thoát ra, hãy gào lên hết sức có thể: "Cứu tôi với, cứu tôi với, bắt cóc, bắt cóc...". Phải như vậy người xung quanh mới có thể chú ý và giúp đỡ được con.

Từ khi con biết nói, mẹ con mình đã có mật khẩu riêng với nhau. Một mật khẩu dùng khi trời mưa, một mật khẩu dùng khi trời không mưa. Mỗi lần đón con, mình đều cho con ôn mật khẩu đó như một điều không thể thiếu. Và giờ, thành thói quen. Mật khẩu đó giống như một câu chào hỏi giữa mẹ và con.

Ví dụ mật khẩu khi trời mưa (Mẹ: Mi Nheo. Con: Cá Kèo). Mật khẩu khi trời không mưa: (Mẹ: Mèo con biết bay. Con: Mèo không biết bay). Mật khẩu rất vớ vẩn, nhiều khi không có nghĩa nhưng mà dễ nhớ, lại vui (và bọn trẻ thì thích như thế). Mật khẩu này sẽ được "truyền đạt" cho những người thân mà mẹ hay nhờ đón con.

Mình cũng luôn cho con ôn bài học thuộc lòng về địa chỉ nhà, họ tên và số điện thoại của cả ba lẫn mẹ. Ôn thường xuyên cho con cách xử lý nếu bị lạc ở chỗ đông người (công viên, siêu thị) thì trước tiên con phải làm sao, tìm đến ai, đề nghị được giúp đỡ thế nào. Bối cảnh ôn bài thường là khi đi siêu thị, đi chơi công viên, đi coi phim... để con dễ nhớ.

Mong bình an cho con yêu và cho mọi gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.