Cha mẹ có từ được con?

Cha mẹ có từ được con? ảnh 1

“Tôi không muốn cho con để tang!”

Mới đây, tôi tiếp một bà cụ ở tận Nha Trang vào TP.HCM để cậy nhờ luật sư giúp bà từ con. Bà bảo đã lên gặp cán bộ hộ tịch địa phương nhưng không được chấp nhận. “Lý nào Nhà nước không cho tôi từ nó? Nó đã lớn rồi, bất hiếu như thế thì tôi không thừa nhận mẹ con gì nữa. Tôi không muốn cho nó để tang ngày tôi chết…”, bà cụ vừa nói vừa khóc.

“Nó” mà bà cụ gọi là người con trai đã ngoài 30 tuổi, từng được bà cho ăn học, rồi lo chỗ làm, cưới vợ, nhưng khoảng ba, bốn năm nay người con này trở chứng, theo bạn bè lún sâu vào cờ bạc, rượu chè, trai gái. Con dâu bà không chịu đựng được đành ly hôn. Chồng bà trong một cơn giận đã đột tử.

Bà sống với con trai nhưng luôn chịu đựng những căng thẳng khi con nhiều lần trộm tiền dưỡng già của bà, lén đem những thứ giá trị trong nhà đi bán để gán nợ. Gần đây, vì hết thứ bán được nên người con quay sang hạch hỏi, chửi bới, đánh đập mẹ để buộc bà ký giấy bán nhà. “Tôi kiệt sức rồi, không còn cách gì để dạy dỗ nó nữa! Giết nó thì tôi không làm được, nhưng tôi không muốn xấu hổ vì những việc nó làm nữa. Phải bán nhà tôi cũng quyết từ nó cho bằng được…”, bà cụ lại khóc.

Luật pháp không cho phép

Khái niệm “từ con” hiểu nôm na là cha mẹ muốn chấm dứt quan hệ với con, không coi đó là con của mình nữa, nhưng pháp luật trước đây cũng như hiện nay đều không cho phép. Ngược lại cũng vậy, việc con cái từ cha mẹ, pháp luật không công nhận. Do đó, dù cha mẹ có đăng báo từ con hay thông báo với dòng họ, hàng xóm thì cũng chỉ là công khai một xung đột gia đình chứ không thể làm mất đi quan hệ cha mẹ với con cái.

Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành chỉ quy định cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu toà án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nếu con nuôi có hành vi nghiêm trọng xâm phạm thân thể, nhân phẩm hoặc làm tình cảm của cha mẹ nuôi không còn nữa.

Đối với con ruột, vì luật không công nhận quyền từ con nên các quan hệ tài sản, nhân thân giữa cha mẹ và con vẫn bình thường. Nếu cha mẹ có liên quan đến vi phạm của con thì dù có thông báo từ con, họ vẫn phải chịu trách nhiệm, ngược lại thì không cần thông báo họ cũng chẳng bị ảnh hưởng gì.

Ngay cả trường hợp trái đạo nhất: con giết cha mẹ, pháp luật cũng chỉ quy định truất quyền thừa kế của người con nếu cha mẹ không có di chúc cho hưởng tài sản, còn trên thực tế người con đó vẫn là con của họ, bất luận thế nào. Còn khi con ruột có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì cha mẹ có thể phản ánh đến cơ quan chức năng. Tuỳ mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính hay hình sự.

Pháp luật không cho phép từ con là phù hợp cả về khía cạnh đạo lý lẫn pháp lý, bởi lẽ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là quan hệ huyết thống nên không thể phủ nhận. Đã là ruột thịt, máu mủ thì không thể thay đổi.

Luật sư Đoàn Hồng Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.