Cha và con gái

Đứa đã có chồng sống tình cảm, yếu đuối, cứ nghe cha dặn dò lại sụt sịt khóc. “Có chồng rồi mà nhõng nhẽo thế ai chiều cho được, khóc chi mà khóc, cha ghét nước mắt lắm”, một lát thấy nó nín bặt, lại cười nói, cha mắng yêu: “Khỉ con, chỉ được cái mau nước mắt”. Đứa con này tuy yếu đuối là thế, mau khóc nhưng cũng mau nguôi.

Đứa thứ hai thì trái ngược hẳn, cá tính mạnh mẽ và bản lĩnh. Nó luôn biết cách làm cha yên lòng bằng chính sự mạnh mẽ ấy nhưng cha biết, nó là đứa con gái cô đơn nhất. Sớm phải tự lập nên lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ, khó khăn nào cũng cố gắng vượt qua, không bao giờ nó để ai thấy nước mắt. Những ngày còn là sinh viên, nó ra khỏi phòng trọ từ 7g sáng, trở về nhà hơn 11g đêm. Mỗi ngày nó ngủ sáu tiếng, những giấc ngủ nhiều lo tính. Nó lo học sao cho được tấm bằng loại giỏi, lo kiếm tiền từ việc làm thêm buổi tối, những năm tháng trên giảng đường nó không để cha phải lo lắng chuyện “cơm áo gạo tiền”. Vỏ bọc bề ngoài gai góc nhưng thẳm sâu tâm hồn thì yếu đuối, đa sầu đa cảm. Thương con gái vất vả, cha bảo đừng làm nữa, nó cười giòn trong điện thoại: “Con thấy mình không hoài phí tuổi trẻ, con vui và hạnh phúc vì con là chính con, cha ạ”.

Đứa con gái út ngoan hiền nhất nhà, mọi thứ với nó thật đơn giản. Gặp bất cứ chuyện gì, bình thường hay gấp gáp nó cũng bình tĩnh đến lạ thường. Giọng nói thủng thẳng của nó nhiều khi khiến cha buồn cười “cái gì đến rồi sẽ đến, vội vàng, cuống quýt thì cũng được gì đâu cha. Đơn giản để thấy mọi thứ dễ dàng hơn”. Ba đứa con, ba tính cách. Cha hiểu tường tận từng đứa một để rồi trong những cuộc trò chuyện, không bao giờ làm các con tổn thương.

Thời gian vụt qua, đứa lớn đã theo chồng lập nghiệp xa cha gần hai ngàn cây số. Đứa thứ hai đang làm phóng viên của một tờ báo cách nhà hai trăm cây số. Đứa út là sinh viên năm cuối của một trường đại học gần nhà. Cha mừng vui chứng kiến các con khôn lớn từng ngày, như những con chim đủ lông đủ cánh phải bay cao bay xa. Lại nghe câu “con gái là con người ta”, dẫu biết điều đó đúng lắm nhưng cứ nghĩ đến, cha lại thấy chạnh lòng. Những chuyến đi, những lần trở về của các con, cha chạy vạy mua vé tàu. 3g sáng, trời rét căm căm, cha vượt mấy mươi cây số đón con về. Trước khi đi, cha không quên dặn mẹ chuẩn bị nấu gì lát con về lót dạ. Đứa thứ ba thỉnh thoảng lóc cóc xe đạp về nhà, đơn giản chỉ là được cha mua cho những thức ăn ngon, được tắm nước nóng thỏa thích và hát thật to mà chẳng sợ ai phàn nàn. Nghị lực bao nhiêu, nhưng khi về nhà, các con gái vẫn chưa hết hồn nhiên, chúng vẫn rất bé nhỏ, mỏng manh.

Đến một ngày, cha ốm. Đứa đầu vừa mới sinh con chưa thể về ngay, gọi điện cho cha khóc ròng chẳng nói được câu nào, không nghe cha mắng, nó lo sợ đến mất ăn mất ngủ. Đứa thứ hai bận đi tác nghiệp một đề tài quan trọng trên vùng núi, ở đó mưa to, sạt lở, không có đường về, giọng nó hốt hoảng, run run “cha gắng lên”. Đứa thứ ba đang thi tốt nghiệp, nó gầy sọp đi vì thức khuya và lo lắng, vẫn còn môn thi cuối cùng. Nhưng rồi ba chị em nó đều sắp xếp về nhà. Những ngày cạnh cha, ba chị em có thời gian ở bên nhau, kỷ niệm ấu thơ tưởng đã lãng quên vì những bộn bề riêng tư như sợi dây xiết chúng lại gần hơn.

Ngày cha khỏe lại, niềm vui trong ba đứa vỡ òa. Đứa lớn khóc hu hu như con nít; đứa thứ hai nhìn cha trân trân, miệng nó cười mà nước mắt rơi lã chã; con gái út nắm chặt tay cha thủ thỉ đủ điều. Các con gái nhận ra rằng, tất cả mọi thứ sung sướng trên đời không sánh được với việc cha chúng vẫn nở nụ cười và còn đi bên cuộc đời chúng.

Theo MAI ĐÌNH (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.