Chữa ‘bệnh’ xài giấy tờ, tài liệu giả

Giấy tờ giả thuộc đủ mọi thể loại từ bằng cấp, chứng chỉ đến giấy khám sức khỏe, giấy phép xây dựng, lái xe…, thậm chí là giả thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ để hưởng chế độ.

Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Ở mức độ nặng (chẳng hạn như làm sáu con dấu trở lên) thì bị phạt tù 3-7 năm…

Thực ra mức phạt này chưa tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa đối với loại tội phạm này.

Lý do là việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả để lừa cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thể gây thiệt hại rất lớn. Có trường hợp trục lợi hàng trăm tỉ đồng, nhất là đối với các giao dịch mua bán nhà đất, thế chấp vay vốn tín dụng... Chính vì món lợi lớn nhưng hình phạt còn khá nhẹ nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp để phạm tội.

Cùng với đó, theo nguyên tắc có cầu ắt có cung sẽ khiến lực lượng làm giấy tờ, tài liệu giả liên tục phát triển. “Giúp sức” đắc lực cho nhóm này chính là việc quản lý, cấp phát các loại phôi giấy tờ, bằng cấp một số nơi còn lỏng lẻo, tạo khe hở cho người làm sai lợi dụng.

Thiết nghĩ ngoài việc siết chặt quản lý, tăng nặng chế tài thì nên nghĩ đến một hướng làm có thể thực hiện ngay là trường hợp không thực sự cần thiết thì đừng bắt nộp giấy. Ví dụ, nhiều thủ tục bắt buộc nộp giấy khám sức khỏe khá dư thừa như lao động nghỉ thai sản muốn đi làm sớm, đi học, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… Giảm tải giấy tờ vừa cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí xã hội, vừa thu hẹp “đất sống” của người làm giấy giả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm