Giúp người khuyết tật sống độc lập

Dự án Xây dựng cuộc sống hòa nhập cho người khuyết tật do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) và Quỹ hỗ trợ Cộng hòa Ireland tổ chức đã giải quyết việc làm cho 110 người và cung cấp việc làm; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho 12 mô hình Khởi sự kinh doanh.

Người khuyết tật đến DRD tìm việc sẽ được tham vấn, đánh giá năng lực, giới thiệu đi làm. Người tìm được việc làm sẽ có người hỗ trợ giải quyết những khó khăn trong công việc và trong mối quan hệ với doanh nghiệp từ ba tháng đến một năm. Những người đang kinh doanh, được mời tham gia khóa học khởi sự kinh doanh, những ý tưởng khả thi sẽ được hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật.

Hỗ trợ vốn và phương thức kinh doanh

Trong ngôi quán nhỏ, chị Kiều đưa ra cây kẹo và ra câu đố:“Líu lo chim hót trên cành/ Bình minh lại đến em anh vui đùa. Đố nhỏ nào đảo câu được nà!”. Các bé nhao nhao xáo chữ đổi câu sao cho có nghĩa để được dì Kiều thưởng kẹo. Trẻ con trong con hẻm gần cầu Giồng Ông Tố, quận 2 khi đến mua bánh tại nhà dì Kiều thường được thưởng kẹo bằng những trò đố vui thú vị như vậy.

Mới năm tuổi, chị Kiều bị liệt nửa thân người do di chứng cơn sốt ác tính. Mãi đến năm 36 tuổi chị mới học xong trung học tại trung tâm hỗ trợ người khuyết tật thành phố. Chị mượn trung tâm 2 triệu đồng, mở quán bán bánh kẹo cho trẻ con trong xóm nhưng với thu nhập mỗi ngày 10.000 đồng từ quán bánh kẹo chị không thể lo nổi cuộc sống.

Giúp người khuyết tật sống độc lập ảnh 1

Khải hướng dẫn trẻ em khiếm thị dùng máy tính tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai. Ảnh: TL

Chị đã liên hệ và được học lớp khởi sự doanh nghiệp miễn phí của DRD. Cuối khóa học, chị Kiều đã đưa ra ý tưởng mở rộng quán. DRD nhờ đội SIFE (đội sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Kinh tế) xuống nhà chị khảo sát, tìm cách mở rộng hàng quán hiện có, thay đổi cách bán hàng. SIFE khảo sát nhu cầu của người trong xóm muốn mua hàng gì tại nhà chị Kiều mà không phải đi ra chợ. Nước mắm, đường, muối, nước uống đóng chai, sữa… được đưa thêm vào sổ mua hàng. SIFE đóng kệ và giúp chị sắp xếp hàng ngay ngắn, đẹp mắt, dễ lấy phù hợp với thể hình của chị.

Chị Kiều áp dụng kiến thức từ lớp học, liệt kê hàng bán, tính dư, nợ, khấu hao.... “Để lấy lòng trẻ con, tui ra câu đố bằng thơ lục bát, kêu tụi nhỏ đảo câu, xếp từ sao cho có nghĩa, càng nhiều câu càng tốt. Mỗi lần xếp được một câu là thưởng một cây kẹo. Tụi nhỏ khoái lắm nên suốt ngày tới mua bánh và kêu ba mẹ tới mua hàng dì Kiều” - chị nói. Đó là một trong những bài học khởi sự doanh nghiệp mà chị áp dụng hiệu quả. Ngày trước, chị ít khi cười. Giờ thì có đang buồn cũng luôn nở nụ cười với người đến mua hàng. Nhờ đó thu nhập của chị cải thiện dần, đến nay mỗi tháng quán tạp hóa của chị lời khoảng 2,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, lúc rảnh chị làm tranh kết cườm bán tạo thêm thu nhập.

Có nghề, hỗ trợ cho trẻ khuyết tật

Anh Trương Phước Khải bị khiếm thị do di chứng sốt phát ban từ năm lên ba. Chật vật lắm Khải mới học xong khoa Giáo dục tại Trường ĐH KHXH&NV. Trong giai đoạn thực tập, Khải không tìm được nơi chịu nhận người khiếm thị. Nhờ DRD giúp đỡ, anh được giới thiệu đến Hội đồng Anh thu thập tài liệu thông tin trên mạng về các đối tác của đơn vị này.

Vì không giỏi ngoại ngữ, còn nhút nhát nên Khải phải cần người hỗ trợ những việc anh không làm được như thẩm định lại thông tin, liên hệ với Hội đồng Anh để tìm hiểu nhu cầu… Khóa thực tập kết thúc tốt đẹp, Khải phải đối diện với áp lực tìm việc vì nguồn học bổng từ DRD đã hết. Khải loay hoay làm chữ nổi, dạy tin học, cài đặt phần mềm cho người khiếm thị… nhưng không có công việc nào lâu dài vì thu nhập thấp và không phù hợp. Nhờ người quen, Khải được nhận vào phòng sản xuất tài liệu cho người khiếm thị của Thư viện Tổng hợp TP.HCM. “Em như cá gặp nước, vì đây là công việc em thấy phù hợp ngành học của mình nhất nhưng mọi việc vẫn còn quá mới mẻ, phải mò mẫm từ từ” - Khải nói. DRD đã cử một tình nguyện viên khiếm thị nhẹ hỗ trợ Khải làm tốt công việc. Dần dà Khải có thể tự làm sách chữ nổi, làm đĩa sách nói… Chị Nguyễn Thị Kim Nhung, phụ trách phòng Sản xuất tài liệu cho người khiếm thị, Thư viện Tổng hợp TP.HCM, nhận xét: “Khải rất biết lắng nghe, cố gắng để làm vì em biết rằng em phải cố gắng gấp nhiều lần mới làm được như người bình thường. Nhờ vậy mà sau một năm Khải đã hòa nhập rất tốt, thậm chí bây giờ em có thể làm được sách nói cho trẻ em bằng tiếng Anh luôn”.

Hiện nay, hằng tháng Khải đưa sách chữ nổi, máy tính đọc sách đến phục vụ trẻ em khiếm thị ở TP.HCM và các tỉnh. Mỗi lần chia tay với lời dặn dò hẹn ngày sớm gặp lại của các em nhỏ, Khải trở về trong xúc động dâng trào. Kết quả sau những lần trăn trở ấy, Khải cùng với người đồng nghiệp đã lập trang web www.khiemthi.info hỗ trợ thông tin cho người khiếm thị. Khải nói rằng mình đã nhận được rất nhiều, đã đến lúc phải trả, biết đâu trong số các em khiếm thị có em đọc được những địa chỉ cần hỗ trợ, những kỹ năng tìm việc… sẽ biết cách gõ cửa và nhận được sự giúp đỡ như anh.

Người khuyết tật có ưu điểm là rất kiên trì, chịu khó, có nhiều ý tưởng độc đáo nhưng họ thường hay mặc cảm và không tự tìm kiếm cơ hội để được trợ giúp. Đội SIFE của trường có gần 70 sinh viên tình nguyện đến từ nhiều ngành marketing, quản trị, tài chính đã hỗ trợ được một số trường hợp… Ca điển hình là đã hỗ trợ cho chị Hòa, một người khuyết tật ở Lâm Đồng mở rộng mạng lưới kinh doanh cơ sở len Trúc Quỳnh, biết cách quản lý nhân sự, phát triển thương hiệu, phân phối qua trung gian… Các bạn đã nhiều lần đến cơ sở này để khảo sát, lập trang web, chụp ảnh từng mẫu hàng rồi đưa lên mạng, chỉ cho chủ cơ sở cách nhận đặt hàng và phân phối hàng qua mạng thay vì chỉ bán hàng trực tiếp như trước đây. Cơ sở này đã sáp nhập với nhiều tổ hợp khác thành Hợp tác xã len Hữu Hòa với 25 hội viên, chủ yếu là người khuyết tật do chị Hòa làm chủ nhiệm.

ThS HOÀNG CỬU LONG, giảng viên khoa Thương mại du lịch Trường ĐH Kinh tế, cố vấn cao cấp đội SIFE

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm