Hãy trò chuyện với con trước khi quá muộn

“Từ nhỏ đến hết cấp III, con đều là học sinh khá giỏi, ngoan ngoãn, thi đậu một lúc hai trường đại học uy tín… Sau khi con vào đại học, ba phó mặc cho con tự bơi, chỉ làm mỗi việc cần làm là chi đủ tiền cho con đóng học phí, mua tài liệu và chi tiêu lặt vặt. Rồi trong những ngày đám tang, vài người bạn của con đã cho ba biết điều bí mật: Trong gần hai năm đại học, con chỉ vào trường có vài tháng, còn lại là đi luyện game. Có thể con đã tự hủy mình vì hậu quả của chứng trầm cảm do… nghiện game online!”.

Đó là lời tự sự của anh Nguyễn Văn (15/12 đường số 10, KP1, phường Trường Thọ, Thủ Đức). Khi con vào đại học, vợ chồng anh bàn nhau dồn sức làm ăn để lo cho tương lai của con. Nghĩ rằng con mình đã khôn lớn nên vợ chồng anh ít gần gũi chuyện trò với con. Thấy con xanh xao, sụt ký, đau dạ dày... thì anh mua thuốc bổ, men tiêu hóa cho con uống. Khuya, thấy con ngồi bất động ở một góc tối trong căn phòng, anh chỉ khuyên con đi ngủ.

Đến khi lần đầu tiên con đi qua đêm không về, anh tìm đến trường thì mới hay con đã nhảy lầu tự tử. Sau này anh mới hiểu được tâm trạng những ngày cuối đời của con mình qua những dòng nhật ký giấu dưới đáy tủ: “Tôi chọn nhầm con đường đi cho mình rồi… Tôi rất hối hận”...

Hãy trò chuyện với con trước khi quá muộn ảnh 1

Ông Takashi Fujii, Tổng Giám đốc Dai-ichi Việt Nam, thay mặt ban tổ chức trao giải cho chị Hương.

Anh Văn kể câu chuyện đau lòng của mình và mong những bậc cha mẹ đừng mắc lỗi lầm như anh. Anh nói: “Hãy trò chuyện với con trước khi quá muộn. Có thể nó đang có một khúc mắc cần mình giải tỏa. Khi tôi chưa kịp chìa tay thì đứa con duy nhất của tôi đã ra đi mãi mãi. Vợ chồng tôi giờ đã ngoài 50, không thể sinh con được nữa”...

Chị Trương Thị Thu Hương (ấp 6, xã An Phước, Long Thành, Đồng Nai) bị tai nạn dẫn đến mất sức lao động 85% nên phải gắn chặt đời mình với chiếc xe lăn. Điều chị lo sợ nhất là đứa con sắp chào đời sẽ mặc cảm với một người mẹ tàn tật. Sinh con ra, đã có lần chị đọc trong mắt con sự mặc cảm đó. Ngày đầu tiên con đi học, chị đã không thể cầm tay đưa con đến lớp vì sợ con mặc cảm với bạn bè.

Lo sợ tình mẹ con không bền chặt, chị Hương dành thời gian học thêm vi tính, lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức để dạy con. Mỗi tuần chị dành một buổi để hai mẹ con nói về nhau. Kết quả thật ngọt ngào, bé gái của chị là học sinh giỏi những năm cấp II. Ngày chương trình Sức sống mới phát sóng về chị với chủ đề “Tư duy tích cực để vượt qua biến cố”, cô bé đã khoe với bạn bè rằng mình rất đỗi tự hào về mẹ. Mới đây, khi chị bệnh, bé ôm chị vào lòng và bảo: “Mẹ đừng chết. Mẹ là niềm tự hào của con mà!”.

Dù cách dạy con của họ mang lại kết quả tốt hay xấu thì đó cũng là những bài học đáng để các bậc cha mẹ tham khảo, rút kinh nghiệm cho mình.

Cuộc thi “Trò chuyện với con” do báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam tổ chức từ tháng 7. Sau hơn bốn tháng, cuộc thi đã thu hút trên 480 bài viết gửi về tham dự. Các bài viết nói về sự khác biệt lối sống gây hiểu lầm đáng tiếc trong gia đình, khuyên nhủ con cai game, rượu, bài bạc, ma túy. Đặc biệt, có hơn 100 bài viết nói về những sai lầm của cha mẹ trong việc dạy con, 32 bài viết cho những đứa con đã mất.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm