Mang thai hộ: câu chuyện của hai bà mẹ

Giá dịch vụ một lần mang thai hộ khá cao ở châu Âu và Mỹ, điều này có nghĩa nhiều phụ nữ phương Tây đang tìm đến các dịch vụ mang thai hộ ở nước ngoài, đặc biệt là Ấn Độ. Giống như nhiều người phụ nữ khác, chị Carolina, đã đi du lịch đến Ấn Độ để nhờ Sonal mang thai hộ mình.

Theo BBC news, chồng Sonal là một nhà cung cấp rau, thu nhập một tháng khoảng 1.500 ru-pi (tương đương 34 USD) và lương của anh không đủ để chi trả cho việc học của hai con. Vì thế, cô quyết định mang thai hộ để có tiền cho các con ăn học.

Đây là lần thứ 2 Sonal làm việc này, mỗi lần cô kiếm được 300.000 ru-pi (khoảng 6.800 USD). "Tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ mua được nhà và sẽ sống thoải mái với các con của mình", cô nói.

Mang thai hộ: câu chuyện của hai bà mẹ ảnh 1
Những bà mẹ mang thai hộ ở Bệnh viện tư Akshanka clinic in Anand,
Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: BBC news.

Mấy tháng cuối thai kỳ, cô tĩnh dưỡng tại Bệnh viện tư Akshanka, ở Anand, hoàn toàn cách biệt với chồng và hai con. Cô sinh ra một bé gái mà cô sẽ không bao giờ được gặp mặt.

"Họ mang bé đi ngay sau khi nó chào đời. Lúc sinh bé, tôi bị ngất một lúc nên thậm chí tôi không được biết mặt bé. Khi tôi tỉnh lại và hỏi mẹ của mình điều gì đã xảy ra, bà đã bảo với tôi đó là một bé gái", Sonal kể lại.

Vì bị biến chứng, em bé được đưa ngay đến một bệnh viện khác và Sonal không thể cho bé bú. Điều này khiến cô rất buồn và thấy bối rối.

"Tôi buồn vì tôi cảm thấy những cố gắng của mình trong suốt 9 tháng mang thai là một sự lãng phí. Carolina nói rằng tôi không thể giúp chị ấy chăm sóc bé, chị ấy sẽ thuê một người trông trẻ, điều này làm tôi thấy bị tổn thương", Sonal nói.

Vì thế, khi Carolina đề nghị Sonal gửi một ít sữa mẹ cho bé, cô đã từ chối. "Tôi đã nói nếu chị có thể sắp xếp người trông nom em bé thì cũng có thể tìm được một người khác cho bé bú. Tôi đã hỏi chị ấy rằng tại sao tôi lại không thể sống cùng với con", cô nói.

Còn đối với Carolina, quyết định của chị là hoàn toàn hợp lý.

"Có thể với nền văn hóa của Sonal, đó là một điều bình thường khi một phụ nữ đến, cho bé bú và đồng thời là một người trông trẻ. Nhưng với văn hóa của tôi điều này là không thể. Tôi luôn biết ơn Sonal vì những gì cô ấy đã làm, nhưng tôi cảm thấy sợi dây ràng buộc giữa chúng tôi nên dừng tại đây", chị Carolina cho biết.

Cuối cùng khi Sonal chấp nhận việc mất em bé mình đã mang trong suốt bằng đấy thời gian, cô tỏ ra kiên nghị. "Tôi không hề hối hận, thậm chí ngay cả khi cả xã hội lên án tôi, tôi cũng không quan tâm. Tôi không làm điều gì xấu, tôi làm thế vì con của mình", cô nói.

Mang thai hộ vì lợi ích vật chất bị cấm ở Ấn Độ từ năm 2002, tuy nhiên dịch vụ này hiện khá nở rộ tại đây.

Theo Phương Trang (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm