Muốn triệt tội phạm, đừng lơi lỏng đăng ký tạm trú

Về nguyên tắc, khi một người đến thuê nhà trọ ở địa phương thì người ấy phải có trách nhiệm khai báo nhân thân và đăng ký tạm trú. Người thuê nhà có thể tự đến công an phường, xã hoặc thông qua chủ nhà để làm thủ tục đăng ký tạm trú. Trên thực tế thì không phải ai cũng làm đúng nguyên tắc đơn giản ấy. Nhiều chủ nhà trọ giải thích họ chỉ thực hiện đăng ký tạm trú cho những người thuê nhà 1-2 năm trở lên, còn với những đối tượng thuê theo kiểu “du canh du cư” một vài tháng thì “làm chi cho mất công”.

Chính sự dễ dãi của các chủ nhà cho thuê trọ, cũng như việc quản lý trong công tác đăng ký nhân khẩu tạm trú của chính quyền các địa phương còn lơi lỏng là lỗ hổng tạo điều kiện cho các đối tượng tội phạm ẩn náu. Những địa bàn nhiều sinh viên, công nhân, người lao động nghèo sinh sống là chỗ tội phạm dễ trà trộn. Bọn tội phạm thường luôn ẩn giấu mình bằng các loại giấy tờ giả mạo. Đã từng có rất nhiều đối tượng giết người cướp của lẩn trốn công an tới nhiều năm tại các khu vực xóm trọ, các làng công nhân, làng sinh viên, sau đó mới bị “sờ” tới. Thêm nữa, chính các đối tượng tội phạm lẩn trốn đó sẽ luôn là mối bất an cho sinh viên, công nhân, người lao động khi chúng sống cùng khu vực.

Chính vì thế, các chủ nhà cho thuê đừng lơ là, đừng bỏ qua khâu yêu cầu người đến thuê xuất trình đủ các loại giấy tờ hợp pháp để đi đăng ký tạm trú, bất kể thuê dài hạn hay ngắn hạn. Việc đăng ký nhân khẩu thuê nhà phải tiến hành ngay khi khách thuê vừa đến lưu trú, không thể chậm trễ. Ngoài ra, công an quản lý nhân khẩu ở các địa phương cũng phải thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc các gia đình kinh doanh nhà trọ phải thực hiện việc đăng ký nhân khẩu tạm trú. Khi phát hiện vi phạm thì phải phạt thật nặng. Nếu như cả chủ nhà và công an làm nghiêm trong công tác đăng ký tạm trú thì tôi tin rằng các đối tượng tội phạm sẽ không dễ dàng lẩn trốn như bấy lâu nay.

Nguyễn Gia Long (quận 9, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm