Sự phán xét nhẫn tâm và bất công

LTS: Chuyện 13 người tử nạn trong phòng hát karaoke trưa 1-11, đa số là học viên trong một lớp học, nhận được sử sẻ chia của cộng đồng và đòi hỏi làm rõ trách nhiệm để xảy ra cháy nhưng cũng có những lời bình phẩm cay nghiệt nhắm vào người đã khuất. Pháp Luật TP.HCM xin chia sẻ một góc nhìn khác. 

1. Bạn tôi, một biên tập văn học của một tờ báo được xem là "kỹ tính” trong việc giới thiệu tác phẩm thơ, truyện. Ngày kia bạn nhận tác phẩm truyện ngắn từ một tác giả trẻ. Và bạn yêu cầu tác giả ấy sửa nhiều chi tiết trong truyện để tác phẩm “đã” hơn mới có thể in báo được. Đáp lại sự nhiệt tình của bạn, tác giả trẻ ấy phản hồi email: “Xin lỗi, em không có thời gian”.

Bạn tức không? Tức chứ. Giận chứ. Khi sự thành tâm của mình bị đối lại như thế. Một dòng email cụt lủn và tỏ thái độ ra vẻ. Bạn thở dài, nghĩ tiếc cho một tác giả trẻ. Nếu mà cậu ấy lắng nghe, cất cái tôi của mình lại để cùng chia sẻ, hợp tác thì kết quả sẽ tốt hơn.

Bạn ấy trẻ, bạn có tài (một truyện ngắn cũng có thể thấy cái tài ấy) nhưng với tính cách cao ngạo như vậy chắc hẳn chẳng thể tiến xa - anh bạn biên tập nghĩ như vậy. Anh bạn cũng quên bẵng câu chuyện ấy, cho đến hội nghị văn trẻ vừa rồi, đọc danh sách không thấy tác giả tiềm năng kia, bạn vẫn nghĩ rằng mình đánh giá đúng tác giả ấy. Có một chút lấn cấn, bạn hỏi thăm một bạn văn cùng tỉnh cậu tác giả và nhận được tin báo: T. mất rồi anh, mất cách đây vài tháng.

Quả là lúc bạn tác giả trẻ nói không có thời gian, bạn ấy đang phải chống chọi từng giờ từng phút trên giường bệnh để chiến đấu lại những cơn đau ung thư gan gây ra. Bạn ấy nói thật. Anh biên tập cũng nói thật suy nghĩ của mình lúc ấy. Chỉ có điều không phải suy nghĩ thật nào cũng đúng. Và vì thế, anh biên tập thấy mình như mắc lỗi, mắc nợ một lời hẹn bỏ ngỏ đó chẳng bao giờ có thể sửa sai…

2. Một trong những người mất trong vụ hỏa hoạn vừa rồi là bạn tôi. Một anh bạn đồng hương Nghệ An, tôi chưa từng gặp ngoài đời nhưng rất yêu quý từ những bức ảnh anh chụp.

Hai anh em thi thoảng vẫn chat với nhau về những bức ảnh anh chụp bãi biển, bãi sông, Thành cổ… nơi mà mình từng gắn bó. Và khi tôi nhờ anh qua tết chụp giúp bé con của tôi một bộ ảnh ở quê ngoại, anh nhận lời với đề nghị chỉ giúp thôi chứ không nhận thù lao gì hết, vì anh yêu thích chụp ảnh và trẻ con… Chỉ là những kỷ niệm nho nhỏ cũng đủ để tôi rơi nước mắt khi nghĩ tới nỗi đau mà bạn bè, gia đình của một người đáng yêu như vậy đang chịu. Một cậu em, cũng đồng hương nói với tôi rằng em không quen anh ấy nhưng thấy nhiều người buồn thương thì chợt nghĩ mình phải sống sao để khi mất đi có nhiều người thương vậy.

Nhưng cũng trên Facebook tôi hôm nay, nhiều người có thái độ dè bỉu, xúc xiểm trước cái chết của những người mà họ không hề quen biết. Họ đặt nghi vấn rằng vào giờ hành chính cán bộ đi karaoke làm gì? Thực ra nhóm người vận rủi ấy là cán bộ cấp phòng, đi học cao cấp chính trị. Sau khi thi xong một môn học, họ liên hoan và rồi đi hát. Cũng là điều hết sức bình thường, chẳng vi phạm gì mà chúng ta có thể đã từng như thế.

Thế nhưng khá nhiều người xỉa xói họ một cách bất nhẫn...

Đôi khi nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn giữa sự mù quáng và việc dũng cảm phản ứng trước cái xấu, cái ác. Phản ứng đúng nơi đúng chỗ và đúng đối tượng là đúng, và sai nơi sai chỗ là mù quáng và thiển cận. Việc chia sẻ nhau một danh sách những người tử nạn còn rất trẻ, rất có năng lực, tốt bụng… và lên án “cán bộ” sử dụng ngân sách sai mục đích… là hai việc hoàn toàn chẳng liên quan gì nhau nhưng vẫn có thể cùng nhau buôn đặt thành nhiều câu chuyện. Điều ấy chỉ nói lên rằng bạn nhẫn tâm và ngu dốt.

Và mây trắng vẫn về miền mây trắng. Còn chúng ta, khi đến cả suy nghĩ cũng không thể nhẹ nhàng, bao dung; thậm chí đúng-sai còn không phân biệt nổi thì việc thở than về một bầu không khí ô nhiễm liệu có ích gì…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm