Teen ám ảnh bởi cha mẹ "đấu võ mồm" triền miên

Teen ám ảnh bởi cha mẹ "đấu võ mồm" triền miên ảnh 1
Cha mẹ cãi nhau làm tổn thương tâm lý của trẻ. Ảnh: ABC.
Hằng cho biết bố mẹ cô mặc dù yêu thương nhau nhưng lại hay khắc khẩu nên ít khi ngồi nói chuyện bình thường được quá hai câu. Từ chuyện nhỏ đển chuyện lớn, ngày nào cũng là "bài ca" to tiếng, rồi lôi cả chuyện từ mấy chục năm trước ra để dằn vặt nhau.

“Cứ sau mỗi lần chiến tranh bùng nổ là y như rằng một lá đơn ly dị được viết rồi hai người lại thách nhau ký. Lại qua lại, 'cô có giỏi viết đi rồi rồi ký. Xong ngay'; hoặc 'anh muốn bỏ tôi chứ gì, anh viết đơn đi, tôi sợ gì anh mà không ký!'", Hằng kể.

Hằng bảo hồi nhỏ cứ mỗi lần bố mẹ cãi nhau là hai chị em cô lại ôm nhau khóc rồi xin bố mẹ. Cứ nghe những tiếng quát tháo, rồi nhìn thấy tờ đơn ly dị là lại thấy sợ lắm, “nhưng đến bây giờ mỗi lần hai người cãi nhau bọn em đều lên phòng đóng cửa lại, hoặc đi ra ngoài chơi. Thích thì họ cứ bỏ nhau. Bọn em càng đỡ suốt ngày nghe chửi vớ va vớ vẩn. Mệt mỏi lắm!".

Những trường hợp các bạn trẻ bị stress vì bố mẹ hay cãi nhau ngày càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống hiện đại. Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Thị Vân, thuộc Tổng đài tư vấn 1088 chia sẻ mỗi ngày bà thường nhận 3 đến 4 cuộc gọi của các bạn trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi để tâm sự về chuyện bố mẹ xung đột như cơm bữa.

“Em quá mệt mỏi khi ngày nào cũng phải chứng kiến bố mẹ giày vò nhau. Họ không ở được với nhau thì bỏ nhau đi cho nó xong chuyện chứ việc gì cứ phải khổ sở như vậy rồi lại còn khổ lây sang cả con cái”, một bạn nam sinh đang học lớp 11 trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội tên Tiến đã tâm sự với bà Vân như vậy.

Cậu học sinh kể rằng cha mẹ cậu đều là những người kinh doanh nên rất bận rộn. Họ không có thời gian để chăm sóc con cái, nhưng lại có thời gian để ngồi tranh cãi nhau về giá vàng, giá đôla, về thị trường vốn, tỷ giá lãi suất, lạm phát, đầu cơ, tích trữ. Ban đầu thì còn ngồi nói chuyện tử tế với nhau, rồi được một lúc là y như rằng người này lại lôi công ty của người kia ra để phán xét, chê trách.

“Có những hôm đến bữa ăn rồi họ cũng không tha cho cháu. Họ chỉ mải ngồi cãi nhau về tiền bạc mà không bao giờ để tâm xem hôm nay cháu đi học thế nào, ăn uống ra sao. Làm cha mẹ như họ thì thà đừng lấy nhau rồi đừng sinh con nữa cho nó sướng”, Tiến vừa nói vừa khóc trong điện thoại. “Cháu buồn lắm cô ạ. Cháu không biết phải làm thế nào nữa. Thà bố mẹ cháu bỏ nhau đi cho nó rồi”.

Bà Trịnh Thị Vân cho biết tình trạng cha mẹ hay cãi lộn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ. Đặc biệt là những đứa trẻ trong lứa tuổi dậy thì vì đây là lúc tâm lý đang phát triển, chúng cần được sự quan tâm, động viên của bố mẹ và người thân nhiều nhất. Tâm lý của lứa tuổi này cũng rất dễ bị tổn thương nên việc thường xuyên nhìn thấy cha mẹ mình không hạnh phúc sẽ gây nên những suy nghĩ và hành động tiêu cực, thậm chỉ còn dẫn đến việc tự tử, như trường hợp một nữ sinh lớp 8 ở TP HCM đã uống gần hai mươi viên thuốc cảm để kết liễu đời mình, vì quá buồn do phải thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã.

“Có nhiều ông bố bà mẹ chỉ để ý đến cảm giác của mình, làm thế nào khiến họ thoải mái nhất mà không hề thử đặt mình mà vị trí của con cái mà suy nghĩ. Chính vì vậy chỉ cần không vừa ý chuyện gì là họ đem nhau ra tổng xỉ vả, lại còn 'chiến tranh lạnh' sau đấy cả một khoảng thời gian nữa. Họ không hề để ý xem những lúc họ làm mình làm mẩy với nhau như vậy thì con cái sống thế nào”, chuyên gia tâm lý Trịnh Hồng Anh, trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm chia sẻ.

Bà Hồng Anh từng tư vấn cho một nữ sinh đang học lớp 10, khi cô bé phát chán cảnh bố mẹ giận nhau, mẹ khóc, còn bố uống rượu say rồi lải nhải ca cẩm. "Cứ người này kêu ca người kia. Nhiều khi cãi nhau bố mẹ còn lôi cả tổ tiên ra để chửi, rồi đào bới đủ các từ ngữ bậy bạ, tục tĩu ra để giằng xé nhau. Họ giận nhau khoảng năm mười ngày rồi lại có thể cười tươi roi rói với nhau. Đến cháu là con mà cháu còn không thể hiểu nối họ sống với nhau kiểu gì nữa”, Minh tâm - tên cô bé - cho biết.

Có nhiều lần không còn gì để vịn cớ mà chửi nữa nên bố mẹ lôi cả Tâm ra để chửi bới: “Nào là con anh, con tôi. Anh không thèm quan tâm đến nó. Rồi có khi lại là nó giống tính cô nên sau này cũng không ra gì…”, Tâm vừa nói vừa khóc. “Đến lúc này thì cháu không thể nhịn họ được nữa. Cháu muốn đi khỏi nhà cho đỡ khổ. Thà cháu làm trẻ mồ côi còn hơn là phải làm con của họ”.

Tâm còn cho biết em đã định lấy trộm tiền của bố mẹ rồi bỏ nhà đi nhưng vì bạn bè khuyên can nên cô bé đang cố trụ. “Hiện tại cháu vẫn đang ở nhờ bên nhà đứa bạn thân. Nhưng cháu không biết mình có thể chịu được bao lâu nữa. Có lẽ chỉ còn cách mau mau đi học đại học rồi ra ngoài ở là cháu khỏi phải đối diện với họ hàng ngày", Tâm than thở.

Theo chuyên gia Trịnh Hồng Anh thì với những trường hợp này, nhiều khi bố mẹ quay lại quan tâm đến con mình thì cũng đã muộn khi, mà trẻ đã bị tổn thương sâu sắc thì bố mẹ khi đó rất có thể đã trở thành những người xa lạ. Cũng như trường hợp của Tâm, nếu không phải còn có bạn bè gần gũi tâm sự chia sẻ thì rất có thể em đã bỏ nhà ra đi. Và hậu quả thì không ai nói trước được.

“Điều quan trọng nhất của những người làm cha làm mẹ là hãy cố gắng để đối xử với con cái của mình bằng tình yêu thương nồng nhiệt nhất. Chỉ có như vậy trẻ mới hiểu rằng việc chúng tồn tại là có ý nghĩa và từ đó chúng sẽ biết suy nghĩ để có thể sống tích cực hơn. Cha mẹ nhất thiết hãy là những người bạn đầu tiên và thân thiết nhất của con cái mình”, chuyện gia Trịnh Hồng Anh khuyến cáo.

Theo Thụy Anh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm