Trả đũa mẹ chồng

Trả đũa mẹ chồng ảnh 1
Nhiều phụ nữ sinh thái độ tiêu cực khi bị mẹ chồng đối xử bất công
mà không thể phản kháng. Ảnh minh họa: Creditshout.com.
Chị Trà (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị bị mẹ chồng không ưa từ lúc mới về ra mắt. Bà càng cực lực phản đối đám cưới khi biết chị lỡ có bầu trước. "Chắc gì nó là con cháu nhà này, khéo mày bị 'chài' rồi con ạ - câu bà nói với chồng ngày ấy chắc đến chết mình cũng không thể quên", chị Trà kể. Ngày đó, sợ mang tiếng, lại thấy chồng cũng quyết tâm, nên chị đã gật đầu cùng anh xây dựng gia đình, dù cảm thấy tổn thương. Khi về làm dâu rồi, chị Trà càng tủi thân vì sự ghẻ lạnh của mẹ chồng. Chị càng nhẫn nhịn bà càng tỏ ra coi thường, hay nói móc. Cho tới lúc con dâu sinh, thấy cháu trai càng lớn càng kháu khỉnh, giống hệt bố, bà tỏ ra vui mừng, xoắn suýt cưng nựng cháu nhưng vẫn chẳng thèm đoái hoài gì đến con dâu. "Khi đó, mình có cảm giác mẹ chồng chỉ coi mình là đứa đẻ thuê", chị kể. Ấm ức dồn nén, khi đi làm lại, chị Trà xin phép đưa con đến nhà ngoại ở với lý do nơi đó gần cơ quan, tiện để chị đi lại chăm con và ông bà ngoại giúp trông cháu. Khi bà nội giữ cháu lại, ngỏ ý sẽ thuê người giúp việc trông giúp, chị từ chối và không quên nói mát mẻ: "Dạ, con không dám phiền mẹ. Từ lúc cháu nó còn nằm trong bụng đã không được chấp nhận rồi, nên con cũng tự biết thân biết phận mà lo cho cháu". Từ ngày sang nhà ngoại ở, chị ít khi đưa con về. Thỉnh thoảng, nhớ cháu quá, bà nội nhờ người đèo tới thăm thì chị tỏ ra lạnh nhạt, không muốn cho bà bế cháu. Khi bé lớn hơn, chồng và ông bà nội muốn hai mẹ con về ở cùng, nhưng chị Trà nhất quyết không nghe. Dù biết dồn chồng vào thế khó, chị vẫn ra tối hậu thư cho anh: "Em đã bị mẹ ghét sẵn rồi, ở cùng càng sinh chuyện, nên một là ra riêng, hai là em ở bên ngoại, ba là chia tay". Hay bị mẹ chồng chì chiết là hoang phí và nói xấu với chồng, Hải Thanh (Hoài Đức, Hà Nội) luôn cảm thấy ấm ức, nhất là khi ông xã hùa theo mẹ, chỉ trích vợ, đồng thời giao hết tiền bạc của mình cho mẹ quản lý. "Thật ra mình cũng có tiêu hoang gì đâu. Lúc có bầu, thèm ăn, nên hay mua tôm cua về bồi dưỡng cho con cứng cáp thì mẹ chồng tỏ ra khó chịu, bắt mang ra trả, nấu lên bà không thèm đụng đũa. Mình đi làm cũng phải ăn mặc cho tươm tất chút, thế mà bà chua ngoa bảo 'làm đĩ không đủ tiền phấn sáp', ai mà chịu được", Thanh thổ lộ. Phẫn nộ nhưng không thể tỏ thái độ vì biết nếu mình phản ứng sẽ bị chồng quy kết là hỗn, không biết điều, Thanh ngấm ngầm tìm cách trả đũa. Thay vì mang đồ ăn về để cả gia đình cùng thưởng thức, cô thích gì thì mua tới nhà cô bạn độc thân rồi ăn uống tại đó. Trước mặt chồng, cô tỏ ra lễ phép, nghe lời mẹ, nhưng khi không có anh, cô liền tỏ thái độ bất cần ngay. Thanh cũng cắt tất cả các khoản sắm sửa cho gia đình chồng và dần "quên" bày tỏ sự quan tâm tới mẹ chồng. "Mình làm mình ăn, không lấy của bà ấy một xu. Bà ấy đối xử với mình thế nào, mình sẽ đáp lại y như vậy", Thanh cay cú. Theo nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, những câu chuyện về sự trả đũa của các nàng dâu khi bất bình với cách đối xử của mẹ chồng như trên không hiếm. Nhà tâm lý cho rằng, đa số đó là những trường hợp "tức nước vỡ bờ" và người trong cuộc coi đó là cách duy nhất để giải tỏa cho bản thân nên có thể cảm thông được. Tuy nhiên, theo chuyên gia, giải tỏa kiểu này như con dao hai lưỡi, có thể làm hại chính người dùng. Một mặt, khi trả đũa, chị em có thể cảm thấy khoan khoái, được xoa dịu cảm giác ấm ức của mình, nhưng thường thì cảm giác này không nhiều và cũng kéo dài không lâu. Trong khi đó, thái độ và những hành động kiểu này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng như giữa hai vợ chồng. Như trường hợp của chị Oanh (Đống Đa, Hà Nội) là một điển hình. Từng bị mẹ chồng khinh ra mặt vì có gia cảnh nghèo khó, lại là dân tỉnh lẻ, chị Oanh (Đống Đa, Hà Nội) đã nhen nhóm ý định "sẽ khiến bà phải hối hận và đau khổ". "Bà lúc nào cũng so sánh mình với những cô người yêu cũ của chồng, các chị dâu rồi không tiếc lời chê mình là quê mùa, và còn bóng gió nói rằng, mình cố vào gia đình bà chỉ vì cái nhà mặt tiền và mác hộ khẩu Hà Nội. Mỗi lần bố mẹ mình ở quê lên, bà tỏ thái độ khinh khỉnh, không thèm tiếp chuyện", chị Oanh kể lại. Cũng vì sợ chị "đào mỏ" nên bà không giúp đỡ vợ chồng chị bất cứ thứ gì về vật chất hay chăm sóc con cái. Vài năm sau, nhờ chăm chỉ làm ăn, lại gặp may mắn nên chẳng mấy lúc vợ chồng chị ăn nên làm ra. Lúc này, mẹ chồng lại tỏ ra yêu quý con dâu út, hay tới nhà chị chơi, đi đâu cũng khen vợ chồng chị giỏi giang. Chưa quên được những vết thương cũ, chị Oanh trả đũa bằng cách tỏ thái độ xa lạ. Bà đến chị chỉ chào hỏi cho phải phép rồi cứ đi làm việc của mình. Khi bà gọi điện, chị chuyển máy ngay cho chồng. Những lúc bà ốm đau, chị mua thuốc bổ gửi anh mang về chứ nhất quyết không tới thăm hay chăm sóc. Khi thấy chồng tỏ vẻ buồn phiền, trách móc thái độ thù địch của vợ với mẹ, chị đáp thẳng thừng "Mẹ chưa bao giờ coi em là con, sao lại bắt em phải yêu kính mẹ". Cũng vì việc này mà hai vợ chồng chị thường xuyên cãi vã, nhiều hôm, anh thậm chí còn không về nhà. "Ly hôn thì ly hôn, chứ tôi không thể quên chuyện cũ và giả vờ quan tâm đến người đã gây tổn thương cho mình và bố mẹ mình", chị bày tỏ khi chồng dọa nếu không thay đổi sẽ làm đơn ra tòa. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý tổng đài 1088 TP HCM Minh Hoa, cách ứng xử tích cực nhất trong những trường hợp này là người vợ cần bàn bạc với chồng về cách ứng xử sao cho phù hợp để cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ngay từ khi khúc mắc mới nảy sinh. Nhưng thực tế, nhiều chị em không nhận được sự chia sẻ từ chồng nên họ phải một mình đương đầu, dồn nén, tới khi không chịu đựng được, bung ra thì không kìm lại được. Khi đó, họ biết rất rõ tác động tiêu cực từ cách xử sự của mình với mẹ chồng nhưng không thể làm khác bởi thâm tâm họ đã ghi sâu những vết thương do nhà chồng gây ra cho mình. Nhiều người vì điều này thậm chí không còn tình cảm với chồng, trả đũa mẹ chồng bằng cách ức hiếp, chì chiết chính bạn đời. Khi mọi thứ đi quá giới hạn, họ không còn muốn cố gắng làm hòa vì không mong đợi được đối xử tốt hơn nữa. "Khi mối quan hệ của hai người phụ nữ càng rạn nứt thì người đàn ông ở giữa cũng càng khó xử và chịu nhiều sức ép hơn. Bởi thế, ngay từ đầu, anh ta cần thể hiện rõ vai trò cầu nối công minh của mình, dập tắt những ngọn lửa mâu thuẫn từ khi nó mới nhen nhóm", nhà tâm lý bày tỏ.
Theo Vương Linh ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm