Xử phạt vi phạm bạo lực gia đình: Chì chiết chồng, dọa con đều bị phạt

Ngày 27-1, nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình (nghị định) bắt đầu có hiệu lực. Nghị định quy định 76 hành vi sẽ bị xử phạt, trong đó có những quy định làm một số ông chồng, bà vợ nghe tới phải giật mình. “Nuôi các con vật, trồng các loại cây gây hại cho sức khỏe của thành viên gia đình tại nơi ở của thành viên đó”, hoặc “Thường xuyên theo dõi thành viên gia đình vì lý do ghen tuông gây tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của thành viên đó” đều có thể bị phạt tiền.

Ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL, đơn vị soạn thảo nghị định, cho biết: “Nghị định đề cập đến những lĩnh vực kiêng kỵ nhất như bạo lực tình dục. Mức xử phạt nặng nhất lên tới 30 triệu đồng”.

Nhát ma: Phạt 2 triệu đồng. Cấm xem tivi: Phạt 300.000 đồng!

Điều 10 nghị định nêu hành vi bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm có thể bị phạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

Cùng mức phạt này là hành vi “Thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó sợ”. Có những hành vi như “Không cho thành viên gia đình đọc sách, báo, nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình” cũng bị coi là bạo lực gia đình, có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Xử phạt vi phạm bạo lực gia đình: Chì chiết chồng, dọa con đều bị phạt ảnh 1

Tuy nhiên, ông Hoa Hữu Vân cho rằng những hành vi trên chỉ có thể coi là bạo lực nếu như hành vi “gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể xác hoặc tinh thần, kinh tế của thành viên khác trong gia đình”.

Ông Vân dẫn chứng: “Đặt một tình huống thông thường là cha không thích cho con xem chương trình tivi không phù hợp, cha tắt tivi, yêu cầu con phải học xong mới được xem. Vậy thì chắc chắn không coi là bạo lực!”.

Ép quan hệ tình dục: Phạt 1 triệu đồng

Nghị định quy định phạt tiền từ trên 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn. Nhiều người thắc mắc căn cứ vào đâu để đánh giá mức độ hành vi bạo lực trong trường hợp này. Quy định này liệu có khả thi? Ths. Hà Thị Thanh Vân (Phó Trưởng ban Pháp luật, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), cho rằng mặc dù hành vi này thường diễn ra khi chỉ có hai người, rất khó phát hiện nhưng cần đưa vào nghị định để xử lý. Theo bà Vân, có những hành vi vi phạm hiện nay có thể chưa xử lý được nhưng vẫn cần đưa vào Nghị định để khi nhận thức xã hội khá hơn thì có thể xử phạt. “Nghị định có những nhóm chế tài mang tính chất răn đe là chính” - bà Vân nhận xét.

Bị chồng đánh, còn phải đi nộp phạt

Theo Nghị định 110, đối với vi phạm bạo lực gia đình có hai hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền. Bà Nguyễn Thu Thúy, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về bạo lực giới, cho biết từ tháng 9 đến tháng 11-2009, trung tâm khảo sát kết quả một năm thực hiện Luật Bình đẳng giới. Kết quả cho thấy việc phạt tiền không có tác dụng tích cực. Người phụ nữ - nạn nhân của bạo lực gia đình lại thường là người phải đem tiền đi nộp phạt nếu chồng bị phạt, là người đi thăm nuôi nếu chồng bị tạm giữ. “Ở các nước phát triển, hình phạt phổ biến là phạt lao động công ích. Ở Mỹ, nước có hàng chục năm thực hiện pháp luật phòng chống bạo lực gia đình, họ bắt người chồng đi học các lớp học về cách cư xử với vợ. Người chồng phải học đến khi nào có được chứng chỉ tốt nghiệp lớp đó, nộp chứng chỉ cho cán bộ công tác xã hội thì mới được coi là đã chấp hành xong hình phạt” - bà Thúy nêu kiến nghị.

Ông Vân lý giải: “Nếu phạt theo kiểu bắt lao động công ích, người bị phạt cảm thấy ê chề, xấu hổ quá, họ sẽ quay lại hành hạ tiếp nạn nhân, theo kiểu “Mày làm ông xấu hổ với làng xóm, ông đánh mày cho mày không dám tố cáo nữa”. Phạt tiền là giải pháp vừa để răn đe nhưng không đến nỗi làm cho họ xấu hổ quá”.

Trẻ em có quyền tố giác bạo lực gia đình!

Trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong gia đình, vậy khi trẻ em lên tiếng tố cáo về hành vi bạo lực gia đình thì lời khai đó có thể coi là căn cứ xử phạt không? Trẻ em ở độ tuổi nào đó, khả năng nhận thức và trách nhiệm dân sự chưa đầy đủ, việc căn cứ vào lời khai của các em để xử phạt liệu có bảo đảm chính xác không? 

Theo ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL, nghị định không quy định về độ tuổi người tố giác. Bất cứ người nào là nạn nhân hay người chứng kiến bạo lực gia đình đều có thể lên tiếng. “Việc lấy lời khai của trẻ em phải theo quy định của ngành tư pháp. Trẻ em dưới 15 tuổi nếu muốn tố giác hành vi bạo lực gia đình với cơ quan công an cần có người giám hộ” - ông Vân nói.

Những vụ bạo hành thương tâm

Tối ngày 31-8, Tạ Văn Thành (Tân Bình, TP.HCM) đã dùng gậy có đóng đinh nhọn ở đầu đánh cháu Thảo, con gái ruột của Thành. Sau đó, Thành kéo con vào bếp, nắm chân cháu Thảo cho vào ngọn lửa để đốt trên bếp gas. Trước đó, Thành từng đánh cháu Thảo đến gãy tay và bị công an phường xử phạt hành chính 350.000 đồng.

- Khuya ngày 9-9-2009, Hoàng Xuân Linh (ngụ tại TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã dùng cây đánh đập vợ dù đuợc nhiều người hàng xóm can ngăn. Đến 1 giờ sáng 10-9-2009, cảnh sát 113 Công an tỉnh Bình Thuận, Công an TP Phan Thiết và công an xã có mặt vận động nhưng Linh vẫn khóa cửa, cầm dao uy hiếp vợ và thách thức nếu ai bước vào sẽ đâm chết vợ rồi tự sát. Trong lúc có đông đảo người chung quanh chứng kiến, Linh bật đèn, dùng dao khống chế, buộc vợ cởi hết quần áo quan hệ tình dục.

- Cháu Nguyễn Phương Ninh trú ở 39B, lô 2 Quán Nam, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng, thường xuyên bị mẹ đẻ và cha dượng là Vũ Văn Phủ hành hạ, ngược đãi. Ngày 30-12-2009, sau khi bị bỏ đói và trói hơn một ngày trong nhà tắm, cháu Ninh đã qua đời.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm