Ban hành văn bản phải hợp pháp, kỹ lưỡng

Việc đính chính không áp dụng đối với những sai sót về thẩm quyền, nội dung của văn bản quy phạm pháp luật.

Qua phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM (xem thêm bài Đính chính văn bản sao cho đúng?, ngày 28-8) rõ ràng một số cơ quan nhà nước đã có sự nhầm lẫn giữa thủ tục đính chính văn bản và thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hoặc có thể họ cố tình nhầm lẫn (lạm quyền) xuất phát từ lý do thủ tục đính chính văn bản thì đơn giản, nhanh gọn hơn, còn thủ tục ban hành một văn bản quy phạm pháp luật tương đương để sửa đổi, bổ sung thì phức tạp, quy trình chặt chẽ, phải qua nhiều khâu, chưa kể còn tốn kém thêm tiền bạc, công sức.

Theo tôi, có thể có một lý do tế nhị nữa là nếu văn bản quy phạm pháp luật vừa mới ban hành chưa ráo mực mà lại phải sửa đổi, bổ sung thì sẽ bị đánh giá thấp về năng lực hoặc bị nghi ngờ có vấn đề về quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan chủ trì soạn thảo và người ký văn bản. Từ đó một số cơ quan nhà nước chọn giải pháp đính chính nội dung văn bản quy phạm pháp luật khi có sự cố xảy ra.

Tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp và tính hợp lý, công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải làm chặt chẽ, thực chất (tránh hình thức, mang tính đối phó) từ khâu dự thảo, tổ chức lấy ý kiến các đối tượng có liên quan cho đến khâu tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo, kiểm tra ngôn ngữ, kỹ thuật và cuối cùng là trình ký rồi phát hành văn bản.

Luật gia ĐÀO DANH SỬU (Vũng Tàu)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm