Băn khoăn quy định cho thuê lại lao động

Kiến nghị ký quỹ 1 tỉ đồng đối với cho thuê lại lao động, vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động là 2 tỉ đồng. Đây là một trong những nội dung trọng tâm được các đại biểu bàn thảo tại hội thảo góp ý kiến dự thảo nghị định về cho thuê lại lao động do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 29-11, tại TP.HCM.

Chưa rõ trách nhiệm với người lao động

Loại hình cho thuê lại lao động đã phát triển tại TP.HCM từ 15 năm nay, còn các nước trên thế giới thì từ hàng chục năm nay thế nhưng các quy định về cấp phép hoạt động, chế tài và bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) vẫn chưa có quy định, chế tài đi kèm tương ứng. Từ thực tiễn tham gia hoạt động cho thuê lại lao động từ hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco), đánh giá hoạt động cho thuê lại lao động có lợi cho các doanh nghiệp và NLĐ. Tuy nhiên, ông Thạnh vẫn băn khoăn: “Hiện nay công ty chúng tôi đang quản lý khoảng 1.500 lao động và cho các doanh nghiệp, tổ chức ở các tỉnh, thành thuê lại. Chúng tôi muốn nắm rõ quy định cụ thể doanh nghiệp cho thuê sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm phí cho thuê, những lao động cho thuê lại có được tham gia vào tổ chức công đoàn, nơi họ làm việc hay không. Chưa kể, NLĐ bị tai nạn lao động thì bên cho thuê hay bên thuê lại phải trả chi phí này?”.

Băn khoăn quy định cho thuê lại lao động ảnh 1

Sắp tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động sẽ phải ký quỹ 1 tỉ đồng. Ảnh: HTD

Đại diện ILO cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của bên cho thuê và bên thuê lại lao động một cách cụ thể. Bởi trong thực tế khi NLĐ bị tai nạn lao động, mà nguyên nhân là do phía sử dụng lao động (bên thuê lại) không đảm bảo về an toàn lao động, điều kiện làm việc không đảm bảo thì trách nhiệm thuộc về bên nào? Mặt khác, khi xảy ra thanh chấp lao động thì bên cho thuê hay bên thuê lại chịu trách nhiệm giải quyết các vụ tranh chấp… Đồng thời, lương của lao động cho thuê lại cũng thấp hơn (khoảng 75%) so với lao động làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp sử dụng lao động. “Vừa qua tại Indonesia, 1 triệu lao động đã biểu tình phản đối chính sách cho thuê lại lao động. Còn tại Trung Quốc, 70% vụ tranh chấp lao động liên quan đến vấn đề này. Do đó nghị định này cần phải quy định chặt chẽ, thấu đáo để quản lý có hiệu quả hơn” - đại diện ILO cảnh báo.

Mong có bảo hiểm để phòng thân

Một nhóm lao động nữ chuyên dọn dẹp vệ sinh tại một cao ốc từ hơn một năm nay cho hay mức lương đối với người mới ký hợp đồng là 2,2 triệu đồng/tháng, còn với những người có thâm niên cũng chỉ hơn 100.000 đồng/tháng và hoàn toàn không được đóng BHXH, BHYT, BHTN. Cứ ba tháng một lần, công ty cho thuê lại yêu cầu họ ký hợp đồng một lần, theo dạng hợp đồng thời vụ. “Đây chỉ là chiêu để họ trốn đóng BHXH cho NLĐ mà thôi. Khi chúng tôi hỏi đến BHXH thì công ty nói là khoản này do NLĐ mua tự nguyện. Thử hỏi với mức lương 2,3 triệu đồng/tháng mà mua BHXH nữa thì còn lại bao nhiêu để sống” - NLĐ cho hay. Theo các chị, một ngày làm 8 tiếng nhưng do đặc thù nên phải bắt đầu làm từ 5 giờ sáng. “Trên đường đi làm sẽ không tránh khỏi những vụ tai nạn, chúng tôi chỉ mong công ty cho thuê lao động mua cho chúng tôi loại bảo hiểm 24/24 giờ để phòng hờ bất trắc nhưng chẳng bao giờ được điều này” - chị P., một lao động, than phiền.

Trong khi đó, giám đốc một công ty chuyên về cho thuê bảo vệ, với 2.000 nhân viên, nói thẳng: “Mức lương mà chúng tôi thường ký với các đơn vị dao động từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Dự thảo nghị định về cho thuê lại lao động quy định những công việc được phép cho thuê lại lao động: phiên dịch; thư ký và trợ lý hành chính; lễ tân; hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ bán hàng; hỗ trợ dự án; tin học văn phòng; kế toán; điện, điện tử; người làm vệ sinh chuyên nghiệp; dạy học; kinh doanh; tiếp thị; bảo vệ.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm