“Bắt cóc” vợ là phạm pháp!

Trong thời gian chung sống, hai người nảy sinh mâu thuẫn và ông Chiểu thường xuyên đánh đập vợ. Bà Lích đã phải về nhà cha mẹ ruột để ở. Ông Chiểu đến đón bà Lích về rồi lại tiếp tục đánh đập, không cho bà Lích ra khỏi nhà.

Đầu tháng 3-2007, nhân lúc ông Chiểu đi vắng, bà Lích đã chạy về nhà cha mẹ.

Lần này, ông Chiểu cũng nhiều lần đến đón nhưng bà không chịu về. Thế là, ông Chiểu đã rủ một số thanh niên lên kế hoạch bắt bà Lích về. Trong nhóm người này có một số người chưa thành niên. Cuối tháng 3-2007, sau khi có lực lượng hùng hậu và được trang bị thêm một số gậy gộc, ống nước..., cả nhóm đã thuê một chiếc xe ôtô chạy đến nhà cha mẹ bà Lích. Những người này đã tấn công cha mẹ bà Lích để bắt bà Lích quăng lên xe. Hậu quả: Cha bà Lích bị thương tích 3%, mẹ bà Lích bị thương tích 8%.

Sau khi bắt được bà Lích, ông Chiểu “giam” bà tại một nhà trọ ở TP.HCM, rồi đưa bà đến nhà một người bạn tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tại đây, ông Chiểu tiếp tục kềm kẹp vợ ngay cả lúc bà làm vệ sinh cá nhân. Ông còn ép buộc bà làm đơn tố cáo cha mẹ ruột của bà...

Tháng 4-2007, khi ông Chiểu đưa bà Lích đến Công an huyện Cai Lậy để bà tố cáo cha mẹ thì bị cơ quan này bắt giữ. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện trước đó ông Chiểu đã từng tổ chức bắt bà Lích khi bà đang trốn ở nhà người quen tại TP.HCM với hình thức tương tự.

Cuối năm 2007, TAND huyện Cai Lậy, Tiền Giang đã xử phạt ông Chiểu ba năm tù về tội bắt người trái pháp luật theo điểm a khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự (phạm tội có tổ chức). Các đồng phạm của ông Chiểu cũng phải chịu những mức án phù hợp. Theo tòa này, vợ chồng phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của mỗi bên, không được cưỡng ép nếu một bên không tự nguyện. Việc bắt người khi không có lệnh của người có thẩm quyền và không thuộc trường hợp phạm pháp quả tang là vi phạm pháp luật.

QUỐC BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm