Bật ngửa với lãi suất cho vay!

Gửi thư đến BáoPháp Luật TP.HCM, bạn đọc A (ngụ quận 7, TP.HCM) than trời vì lỡ “dính” vào hợp đồng tín dụng có lãi suất “trên trời”. Cuối tháng 6-2008, A đến một ngân hàng vay 300 triệu đồng mua ôtô trong thời hạn ba năm, lãi suất 1,3%/tháng, tức 15,6%/năm.

Hợp đồng cho vay của ngân hàng ghi rõ số tiền bên vay phải trả góp mỗi tháng bằng tiền lãi tính trên số tiền vay cho toàn bộ thời gian vay cộng với tiền gốc vay ngay tại thời điểm cho vay ban đầu. Tức là mỗi tháng A phải trả một phần tiền gốc (300 triệu đồng chia cho 36 (tháng), khoảng 8,3 triệu đồng) + tiền lãi (300 triệu đồng x 1,3% = 3.900.000 đồng). Như vậy, số tiền gốc và lãi A phải trả đều đặn mỗi tháng là hơn 12,2 triệu đồng.

Không tính lãi trên số dư nợ

Tính trên lý thuyết, mức lãi suất A phải trả đúng là 1,3% (140.400.000 đồng tiền lãi/300 triệu đồng tiền gốc)/36 tháng vay). Nhưng cách tính này chỉ hợp lý nếu khách hàng chỉ phải trả lãi hàng tháng, đến khi hết hạn vay mới trả tiền vay gốc thành “một cục” đủ 300 triệu đồng.

Ấy vậy mà trong suốt 36 tháng, A không được tính lãi trên số dư nợ mà phải trả một mức tiền lãi y xì nhau là 3,9 triệu đồng. Hóa ra A chỉ được hưởng mức lãi suất 1,3% trong tháng đầu tiên. Càng về sau mức lãi suất càng tăng. Đến tháng thứ 36, A phải chịu mức lãi suất lên đến 46,8%. Trung bình mỗi tháng A phải chịu lãi suất hơn 5%. Có nghĩa là A phải chịu lãi suất hơn 60%/năm.

Hoảng hồn, A “ba chân bốn cẳng” yêu cầu ngân hàng xem xét lại phần lãi suất nhưng không được chấp thuận. Hết cách, A bèn đề nghị được trả nợ trước hạn. Tuy nhiên, hợp đồng cũng ghi rõ nếu khách hàng trả nợ trước hạn trong khoảng nửa kỳ hạn vay thì chịu phạt 5% tổng số tiền giải ngân. Căn cứ vào đó, ngân hàng yêu cầu A muốn trả nợ trước hạn thì phải chịu phạt 15 triệu đồng.

Hiện A vẫn tiếp tục khiếu nại với lý do hợp đồng đã được soạn sẵn theo ý chí chủ quan của ngân hàng và gây thiệt hại cho khách hàng.

Lãi suất không được vượt mức trần

Theo Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Quyết định số 16 ngày 16-5-2008 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho phép các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố để áp dụng trong từng thời kỳ.

Tại thời điểm giao kết hợp đồng trên, lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố là 14%/năm. Như vậy, ngân hàng trên đã làm sai luật định khi ấn định lãi suất cho vay vượt quá 21%/năm.

Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định khách hàng vay có quyền khiếu nại, khởi kiện các vi phạm hợp đồng tín dụng. Căn cứ vào quy định này, luật sư Lại Thị Lệ Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) hướng dẫn A có thể kiện ra tòa để yêu cầu ngân hàng trả lại số tiền chênh lệch do áp dụng lãi suất vượt quá mức trần cho phép. Tòa án sẽ căn cứ vào mức lãi suất do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố để tính lại mức lãi suất phù hợp.

Nhiều ngân hàng tính lãi trên số dư nợ

Tham khảo cách tính của một ngân hàng khác trong hợp đồng tín dụng tương tự, chúng tôi nhận thấy số tiền lãi được tính = (dư nợ tính lãi x lãi suất vay (tháng) x số ngày vay thực tế)/30. Theo chúng tôi, việc tính lãi trên số tiền dư nợ mới là hợp lý. Ngân hàng không thể buộc khách hàng tiếp tục trả lãi đối với số tiền vay gốc mà họ đã trả rồi.


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Phước

Địa chỉ: Gia lai

Email: niemvuinoibuon_cuatoi@...

Nội dung:

Đây là hành vi lừa khách hàng dựa trên lý là theo hợp đồng. Làm ăn phải có nguyên tắc và phải giữ uy tín chứ. Sao lại đi ăn gian của khách hàng (là thượng đế của mình). Không thể chấp nhận.

HOÀNG LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm