Bỏ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng giáo dục đi xuống?

Ngày 2-8, ông Nguyễn Vinh Hiển (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) đã có buổi tiếp xúc báo chí để thông tin thêm về đề nghị nghiên cứu bỏ thi tốt nghiệp THPT của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (xem thêm bài “Nặng dạy kiến thức, nhẹ luyện đạo đức”, Pháp Luật TP.HCM ngày 1-8). Ông Hiển cho rằng hiện nay không nên bỏ kỳ thi này.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết đề nghị của Phó Chủ tịch nước vẫn đáng suy nghĩ cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, việc thi tốt nghiệp THPT là một trong những mắt xích quan trọng của quá trình dạy học. Trong hoàn cảnh hiện nay nếu không thi tốt nghiệp THPT, chất lượng dạy và học sẽ đi xuống.

“Việc thi tốt nghiệp không chỉ đem lại kết quả để quyết định học sinh đỗ hay trượt tốt nghiệp THPT mà còn có chức năng khuyến khích, tạo động lực cho người học, giúp người học tiến bộ không ngừng. Kỳ thi còn cung cấp cho giáo viên, nhà quản lý những thông tin phản hồi hữu ích, giúp điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý” - ông Hiển nói.

Bỏ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng giáo dục đi xuống? ảnh 1

Các thí sinh vui mừng làm tốt môn toán tại kỳ thi THPT năm 2013. Ảnh: HTD

ý kiến bảo số thí sinh trượt tốt nghiệp chiếm một tỉ lệ nhỏ nên tổ chức thi là lãng phí. Ông Hiển bảo lưu quan điểm rằng đây là kỳ thi cuối cùng trong giai đoạn giáo dục phổ thông nên nó càng quan trọng và cần thiết.

Ông Hiển thẳng thắn thừa nhận dù Bộ GD&ĐT có họp, chỉ đạo các địa phương làm nghiêm túc nhưng năm nay tỉ lệ tốt nghiệp THPT nhiều địa phương cao chót vót là chưa thực chất. “Bộ cũng đang tính toán sao cho việc thi tốt nghiệp được gọn nhẹ, hiệu quả mà vẫn đảm bảo được mục tiêu và yêu cầu của kiểm tra đánh giá.

“Bộ GD&ĐT đã và đang tổ chức nghiên cứu và đưa định hướng đổi mới các kỳ thi - công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH vào Đề án Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam cũng như Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa sau 2015. Sau khi các đề án được thông qua, phê duyệt, Bộ sẽ công bố phương án đổi mới để xin ý kiến rộng rãi trước khi quyết định chính thức” - ông Hiển thông tin thêm.

Phải cải cách toàn diện

Nếu tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp tốn kém mà hầu hết học sinh (HS) đều đậu hay không tổ chức thi mà các HS cũng tốt nghiệp dễ dàng thì đều là chuyện không ổn vì kết quả không thực chất.

Với cách học như hiện nay, thầy cô nào cũng muốn tất cả HS của mình được lên lớp, được tốt nghiệp để được tuyên dương, lớp cũng được khen thưởng, trường được danh hiệu này danh hiệu nọ. Nguyên nhân chính là bệnh thành tích, thi dỏm, chấm dỏm… Do đó, ngành giáo dục phải có sự nghiên cứu, đánh giá và thay đổi toàn diện, từ nội dung chương trình, cách đánh giá học sinh… rồi mới tính đến giữ hay bỏ kỳ thi. Nếu mục đích của giáo dục không rõ ràng thì cách làm nào cũng nảy sinh ra những tiêu cực mới và ngày càng khó đối phó hơn.

TS Hồ THIỆU HÙNG, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Nên bỏ kỳ thi

Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Bởi liên tục nhiều năm qua, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đều rất cao, ít người thi hỏng nên kỳ thi gần như không còn ý nghĩa. Thứ nữa, hằng năm, kỳ thi này tiêu tốn một khoản tiền, công sức rất lớn của xã hội. Mặt khác, nhiều tỉnh, thành đã và đang hoàn thành phổ cập bậc THPT. Việc phải học xong bậc THPT lúc này là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân. Do vậy, học sinh chỉ cần một giấy chứng nhận hoàn thành bậc học do Sở GD&ĐT địa phương cấp là đủ.

Tôi cho rằng việc kiểm tra, đánh giá học sinh phải được tiến hành thường xuyên ở từng bậc học, từng lớp (thông qua kiểm tra tiết học, kiểm tra học kỳ hằng năm…) chứ không phải đến cuối năm học 12 rồi mới kiểm tra. Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu giao việc kiểm tra, đánh giá học sinh cuối cấp cho các sở GD&ĐT địa phương. Nếu việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên này được làm tốt thì chất lượng học sinh sẽ không giảm. Thực tế chứng minh, trước khi quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và sau đó là kỳ thi tốt nghiệp THCS cũng có ý kiến băn khoăn tương tự song đến nay cho thấy băn khoăn trên đã được giải tỏa.

TRẦN QUANG ÂN (nguyên GV THPT)

VIẾT THỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm