Bỏ tiền triệu không lấy được file ảnh cưới

Vị luật sư 8X trình bày rằng anh cùng người vợ Việt Nam có đến dịch vụ ảnh cưới MK (đường Lý Tự Trọng, TP.HCM) đặt ảnh cưới. Sau khi tham khảo, vợ chồng anh thỏa thuận chụp một album ảnh cưới giá 1.200 USD và đặt mua thêm một váy cưới giá 2.250 USD.
Bỏ tiền triệu không lấy được file ảnh cưới ảnh 1

Đòi thêm 5 triệu đồng

Boer Sander kể khi vợ chồng anh đến tham khảo dịch vụ vào tháng 12-2011, chủ tiệm ảnh cưới là M.K. đưa ra album ảnh cưới của á hậu Dương Trương Thiên Lý để làm mẫu. Theo lời của B. Sander, vợ chồng anh được ông chủ hứa hẹn sẽ thực hiện một album ảnh cưới như vậy, do một nhiếp ảnh gia nổi tiếng thực hiện. Khi đặt cọc, hai bên chỉ làm một biên lai nhận tiền mà không ký một hợp đồng nào.

Đến tháng 7-2012, khi vợ chồng B. Sander đến chụp ảnh cưới thì không thấy nhiếp ảnh gia nổi tiếng nào như hứa hẹn. Chính M.K. là người cầm máy chụp cho họ. Cũng không như album mẫu của á hậu Thiên Lý với nhiều ngoại cảnh đẹp rực rỡ, vợ chồng B. Sander chỉ được chụp ảnh cưới ở studio. Khi giao ảnh cưới, gia đình B. Sander cảm giác sốc hơn vì chất lượng album thật khác xa album mẫu mà họ được hứa hẹn.

Gặp chuyện bất ngờ như vậy, vị luật sư trẻ Hà Lan chỉ còn biết trách mình lạ nước lạ cái không ký hợp đồng ngay từ đầu. Chưa hết, dịch vụ ảnh cưới MK chỉ cung cấp cho họ một số file hình để xem nhưng không đủ chất lượng để phóng to ảnh. Khi vợ chồng B. Sander yêu cầu M.K. cung cấp file ảnh hoàn chỉnh thì họ được trả lời rằng cần trả 5 triệu đồng nữa. “Đến lúc đó thì tôi chán ngấy lên với tất cả mọi thứ”, B. Sander than thở.

Tuy nhiên, dù vợ chồng anh có đưa ra lý lẽ nào thì bên áo cưới MK vẫn nói rằng đó là “quy định” của họ. Bình luận về “quy định” này, B. Sander chua chát: “Tôi biết không có luật pháp nước nào cho phép như vậy!”. Đôi vợ chồng trẻ quyết định bỏ luôn file ảnh cưới hơn là chi thêm khoản tiền mà họ xem là quá vô lý này!

Để tìm hiểu thêm sự việc, chúng tôi liên hệ với “ông chủ” M.K. nhưng anh từ chối với lý do là chỉ làm việc trực tiếp với khách hàng, giải thích xong anh chủ động cúp máy.

Hiệu ảnh cưới áp đặt luật chơi

Trường hợp của chú rể nước ngoài B. Sander đặt ra vấn đề: Quyền lợi khách hàng tới đâu trong việc sở hữu file ảnh cưới của họ? Qua trao đổi, một số chủ studio ảnh cưới đều nói rằng việc giao file ảnh cưới nếu không có quy định trong hợp đồng thì tùy ở họ. Nếu hữu hảo thì họ giao, còn nếu khách hàng không yêu cầu thì họ cũng không có nghĩa vụ bắt buộc.

Điều này thật bất ngờ! Bởi lẽ, nếu bạn chụp hình thẻ hay ảnh dịch vụ cỡ trăm ngàn thì bạn vẫn được giao file. Nhưng khi bỏ ra cả chục triệu đồng chụp ảnh cưới thì việc sở hữu file ảnh hoàn chỉnh của bạn lại phụ thuộc vào sự “tùy tâm” của bên dịch vụ?

Một chủ studio ảnh cưới giải thích rằng với những hợp đồng năm ba triệu đồng thì họ thường giữ file ảnh. “Quy định” này phòng hờ khi các cặp vợ chồng có nhu cầu phóng thêm ảnh thì bên dịch vụ sẽ có cơ hội “kiếm thêm”. Về giá cả, nhiều dịch vụ cưới cho biết mặt bằng chung là 6-8 triệu đồng cho album ảnh cưới chụp studio, 10-12 triệu đồng cho album chụp ngoại cảnh. Với những hợp đồng giá tiền như vậy thì việc vui vẻ giao file ảnh cưới cho khách hàng là hoàn toàn “không thành vấn đề”.

Tất nhiên, chuyện giá cả vẫn là sự thỏa thuận giữa hai bên. Nhưng mức giá 1.200 USD cho một album ảnh cưới chụp studio thì quả thật không ai nói rẻ!Vậy việc giao file ảnh cưới có hoàn toàn là do phía dịch vụ áp đặt “luật chơi”? Không ít chủ studio diễn dịch nôm na rằng thực hiện album ảnh cưới nghĩa là chỉ giao cái... album (!) Trong khi khoản tiền mà các đôi vợ chồng phải trả là cho một dịch vụ (bao gồm công người chụp, địa điểm, trang phục, trang điểm, file ảnh...).

Một nguyên tắc nữa là liệu các studio ảnh cưới có quyền giữ những hình ảnh cá nhân của họ hay không? Cho nên, kinh nghiệm của các đôi vợ chồng trẻ khi chụp ảnh cưới là phải thỏa thuận, hợp đồng ngay từ đầu. Đừng như trường hợp bỏ ra 2.250 USD (hơn 46 triệu đồng) cho váy cưới và 1.200 USD (25.600.000 đồng) cho album ảnh cưới mà còn “bị” đòi thêm tiền cho file ảnh như vợ chồng B.Sander thì quả là... tức tưởi!

Quyền sở hữu của ông Boer Sander bị xâm phạm

Khoản 1 điều 401 Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”.Hợp đồng dịch vụ là một trong những loại hợp đồng pháp luật không bắt buộc phải lập thành văn bản. Tuy nhiên, việc hợp đồng không được lập thành văn bản có những hạn chế nhất định.

Trong trường hợp này, pháp luật chỉ ghi nhận giữa ông Boer Sander và studio MK đã phát sinh hợp đồng dịch vụ mà không thể biết các thỏa thuận cụ thể. Do đó, khi phát sinh tranh chấp, ông Boer Sander sẽ là bên gặp nhiều bất lợi do không có đủ bằng chứng chứng minh studio MK đã không cung ứng dịch vụ đúng như thỏa thuận.Căn cứ định nghĩa tại điều 16 nghị định 100/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, ảnh cưới là tác phẩm nhiếp ảnh.

Ông M.K. là người trực tiếp tạo ra bộ ảnh cưới. Tuy nhiên, việc sáng tạo này được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dịch vụ với ông Boer Sander. Theo quy định tại khoản 2 điều 39 Luật sở hữu trí tuệ, “tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại điều 20 và khoản 3 điều 19 luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Những quyền liệt kê tại điều 20 Luật sở hữu trí tuệ là quyền tài sản. Như vậy, file ảnh cưới gốc chính là tài sản của ông Boer Sander. Do giữa ông Boer Sander và ông M.K. không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc ông Boer Sander sẽ chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu file ảnh này cho ông M.K. nên việc ông M.K. từ chối giao file ảnh gốc hoặc chỉ giao với điều kiện được đưa thêm tiền tức là đã xâm phạm quyền sở hữu của ông Boer Sander

LS BÙI QUANG NGHIÊM


Theo Q.THI (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm