Bồi thường oan: Mức lương tối thiểu là mức lương nào?

Trong quá trình hành nghề, tôi nhận thấy có sự bất hợp lý trong việc áp dụng mức bồi thường tổn thất tinh thần (hoặc bù đắp tổn thất về tinh thần) cho người bị hại hoặc cho người bị oan do hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Theo các quy định hiện hành, nếu các bên không thỏa thuận được thì cơ quan tố tụng sẽ lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ để tính khoản bồi thường. Chẳng hạn, đối với trường hợp bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị hại trong vụ án hình sự, Nghị quyết 03/2006 (của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) hướng dẫn, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu... Còn với người bị oan, nếu người bị oan chết, gia đình người đó được bồi thường chung một khoản tiền bù đắp về tinh thần là 360 tháng lương tính theo mức lương tối thiểu...

Vấn đề đặt ra là mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định được áp dụng là mức lương nào?

Đầu năm 2015, ông Trương Bá Nhàn (ngụ huyện Đồng Phú, Bình Phước, một người bị oan) được VKSND TP.HCM ra quyết định bồi thường tổn thất về tinh thần là hơn 225 triệu đồng, trong đó viện lấy mức lương tối thiểu là 1.150.000 đồng để tính ra số tiền phải bồi thường.

Hiện nay, theo quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã… là từ 2.150.000 đồng đến 3,1 triệu đồng/tháng (tùy thuộc vùng); mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức… là 1.150.000 đồng/tháng.

Mặc dù luôn tồn tại song song các mức lương tối thiểu như trên nhưng cơ quan tố tụng lại thường chỉ áp dụng mức lương tối thiểu 1.150.000 đồng để tính số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần.

Tất nhiên tổn thất về tinh thần thì khó có thể định lượng hay cân đong đo đếm. Và càng không phải là cán bộ, công chức sẽ đau thương trước mất mát hơn người khác hoặc ngược lại. Thế nhưng nếu cứ dùng mức lương tối thiểu thấp thì tôi cho rằng chưa phù hợp khiến cho người bị hại, người bị oan càng thêm thiệt thòi.

Tôi nêu ví dụ trong vụ án giết người, nếu áp dụng mức 1.150.000 đồng thì gia đình người chết được nhận 69 triệu đồng tiền bồi thường tổn thất về tinh thần (1.150.000 đồng x 60 tháng). Nếu áp dụng mức 3,1 triệu đồng thì họ được nhận 186 triệu đồng (3,1 triệu đồng x 60 tháng). Tính ra chênh lệch đến 117 triệu đồng.

Đó là trong trường hợp bồi thường do vi phạm pháp luật hình sự. Còn trong trường hợp người bị oan, mức bồi thường có sự chênh lệch lớn hơn rất nhiều. Bởi nếu áp dụng mức 1.150.000 đồng thì gia đình người đó được nhận 414 triệu đồng (1.150.000 đồng x 360 tháng), còn nếu áp dụng mức 3,1 triệu đồng thì họ được nhận 1,116 tỉ đồng (3,1 triệu đồng x 360 tháng). Chênh lệch là 702 triệu đồng.

Cho tới thời điểm này chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng mức lương tối thiểu nào. Dù nhiều lần các luật sư, người tham gia tố tụng khác đã có kiến nghị áp dụng mức cao hơn nhưng chưa thấy có sự thay đổi. Cơ quan tố tụng trước sau vẫn áp dụng mức 1.150.000 đồng. Có lẽ điều này xuất phát do thông lệ xét xử từ xưa đến nay, vụ án trước căn cứ mức nào để yêu cầu bồi thường thì vụ án sau cứ thế mà áp dụng. Trong chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa được khai mạc vào ngày 20-5, Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo của UBTVQH về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Tôi hy vọng rằng sự bất hợp lý trong việc bồi thường tổn thất tinh thần nêu trên sẽ được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp hơn.

Mức bồi thường nên dành cho từng người

Theo Nghị quyết 03/2006 (Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao), trong trường hợp thiệt hại đến tính mạng, người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại. Mức bồi thường cho tất cả người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Theo tôi, mức tiền bồi thường tổn thất tinh thần bằng nhau đối với gia đình có nhiều người (ví dụ ông bố có 10 người con) và gia đình ít người (có 1-2 người con) như trên là chưa công bằng. Nên chăng cần quy định mức bồi thường dành cho từng người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì sẽ hợp lý, bình đẳng hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm