Buộc phải khảo sát nhà liền kề là gây khó!

Như báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 39 hướng dẫn quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ. Theo đó, trước khi sửa chữa hay xây dựng nhà, chủ hộ xây dựng cần kiểm tra hiện trạng các nhà lân cận.

Buộc phải khảo sát nhà liền kề là gây khó! ảnh 1

Theo tâm lý, chủ nhà liền kề ít chấp nhận việc khảo sát hiện trạng nhà do chủ công trình thực hiện. Ảnh minh họa: HTD

Cơ cấu đô thị hiện nay cho thấy nhà liền kề chiếm tỉ trọng cực kỳ lớn. Việc thi công xây dựng các công trình nhà ở liền kề lại thường phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn. Xét về mục đích, quy định nói trên của Bộ Xây dựng được cho là rất tích cực trong việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Tuy nhiên, những ràng buộc trong quy định lại thiếu hợp lý, không thả thi.

Thứ nhất, việc kiểm tra nhà liền kề (bao gồm tình trạng nghiêng, nứt, thấm dột và các biểu hiện bất thường khác) có thể do chủ công trình tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện. Nhưng theo tâm lý chung, các chủ nhà lân cận khó chấp nhận việc ghi nhận hiện trạng nhà của mình theo hướng bất lợi và càng không chấp nhận việc này do chủ công trình thực hiện. Chưa kể trên thực tế, công tác kiểm tra này không đơn giản, không thể kiểm tra bằng cách quan sát bằng mắt thường hoặc ghi nhận đơn thuần bằng quay phim, chụp ảnh....

Trong rất nhiều trường hợp, việc kiểm tra đó phải do đơn vị tư vấn có năng lực thực hiện, nôm na là kiểm định. Chi phí cho công tác kiểm định hoàn toàn không nhỏ. Mặc dù không muốn rắc rối xảy ra với mình, song hầu hết chủ nhà khi sửa chữa, xây dựng lại đều muốn hạn chế đến mức thấp nhất các chi phí phát sinh, đặc biệt là những chi phí không liên quan trực tiếp đến công trình, trong đó có chi phí kiểm định trên.

Thứ hai, việc buộc các chủ nhà lân cận phải chấp nhận việc khảo sát căn nhà của mình nếu không sẽ bị xem là bất hợp tác liệu có phù hợp các quy định của pháp luật về quyền của cá nhân đối với tài sản được sở hữu hợp pháp? Ngoài ra, pháp luật về dân sự cho phép người dân được đòi bồi thường thiệt hại miễn sao có chứng cứ chứng minh. Tại sao thông tư lại phủ nhận việc này với quy định “mọi chứng cứ về hư hỏng công trình liền kề, lân cận do chủ công trình này đưa ra khi không có sự thống nhất với chủ nhà sẽ không được công nhận khi có tranh chấp xảy ra”?

Nên nhớ tất cả các công trình xây dựng đều được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Xây dựng theo nguyên tắc “ai có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Vậy có cần thiết phải đặt ra những ràng buộc nêu trên vì có thể gây khó cho không chỉ một bên chủ công trình?

KTS LÊ CÔNG SĨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm