Cá nhân không được ngăn chặn công chứng

Gửi thư đến Báo Pháp Luật TP.HCM, bà TH hỏi: “Tôi có cho A. vay một số tiền. Mới đây, tôi nghe đồn A. muốn bán nhà để khỏi trả nợ. Tôi có thể phát đơn đề nghị các cơ quan công chứng không chứng nhận cho A. bán nhà cho đến khi A. trả nợ xong?”. Lo lắng của bà H. là chính đáng nhưng đâu là cách giải quyết hợp lý?

Nhầm lẫn về quyền hạn

Như Báo Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, bà R. (Mỹ Tho, Tiền Giang) đã kiện đòi Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tiền Giang bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng vì đã bỏ qua yêu cầu ngăn chặn của bà. Số là vào cuối năm 2006, ngay khi phát hiện con nợ của mình mang nhà đi thế chấp thì bà R. đã nộp đơn xin ngăn chặn. Vậy mà sau đó con nợ vẫn “tỉnh queo” làm được hợp đồng bán nhà có dấu công chứng hẳn hoi.

Vụ việc trên gây ra nhiều thắc mắc trong dư luận: “Cá nhân người dân có quyền gửi đơn ngăn chặn công chứng?”, “TP.HCM xử lý sao khi gặp trường hợp tương tự như Tiền Giang?”...

Bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Công chứng số 6 TP.HCM, khẳng định: “Tại TP.HCM, cá nhân không có quyền yêu cầu ngăn chặn công chứng. Khi cần ngăn chặn để quyền lợi của mình được đảm bảo, người dân phải gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù đã có quy định rõ ràng nhưng đến nay nhiều người vẫn còn ngộ nhận về việc này. Trong năm 2008, Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận gần 2.700 văn bản yêu cầu ngăn chặn công chứng giao dịch về tài sản. Trong đó, đơn ngăn chặn do người dân gửi nhầm địa chỉ chiếm đến 5%”.

Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng nhận được khá nhiều đơn đề nghị ngăn chặn công chứng của cá nhân với đủ lý do như việc chia thừa kế còn vướng mắc, để bảo đảm thi hành án, bảo toàn tài sản vì sợ người nhận ủy quyền bán nhà qua mặt mình... Giống như các phòng công chứng, văn phòng của bà cũng hoàn lại cho người dân các đơn này vì “không có cơ sở để giải quyết”.

Không thể ngăn chặn tràn lan

Trước đây, Công văn số 771 ngày 3-10-1995 của liên sở Tư pháp - Nhà đất - Địa chính - Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đã lưu ý: “Chỉ những cơ quan tiến hành tố tụng sau đây mới có thẩm quyền ngăn chặn việc mua bán, chuyển dịch nhà: tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Ngoài ra, không một cá nhân nào có quyền can thiệp vào quá trình chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà của các cơ quan công chứng”. Gần đây, Quyết định 358 ngày 28-8-2007 của Sở Tư pháp TP.HCM quy định: “Chỉ những cơ quan có thẩm quyền (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan điều tra, UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền cấp “giấy hồng”, “giấy đỏ”) mới được yêu cầu ngăn chặn công chứng hợp đồng, giao dịch về tài sản”.

Theo bà Nguyễn Thị Tạc, việc từ chối yêu cầu ngăn chặn của cá nhân là đúng và cần thiết nhằm đề phòng tình trạng nộp đơn ngăn chặn tràn lan vì mâu thuẫn cá nhân. Hơn nữa, công chứng viên chấp nhận ngăn chặn sai còn phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu gây ra thiệt hại cho người có tài sản.

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7, hướng dẫn: “Cách tốt nhất là người dân phải gõ cửa đúng cơ quan có thẩm quyền. Chẳng hạn, người dân có thể khởi kiện và yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên tài sản tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản... Bởi lẽ nếu được tự ý yêu cầu ngăn chặn công chứng, nhiều cá nhân sẽ lợi dụng việc này để gây khó cho người mà mình thù ghét hoặc không ưa. Khi đó, quyền lợi chính đáng của người có tài sản sẽ bị thiệt”. Phân tích yêu cầu khởi kiện của bà R. đối với Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tiền Giang, ông Hoàng Mạnh Thắng cho biết yêu cầu này khó thể chấp nhận. Vì như đã nói, công chứng viên không có nghĩa vụ thỏa mãn yêu cầu ngăn chặn công chứng của cá nhân.

Hạn hữu mới tạm dừng

Nguyên tắc là vậy nhưng trên thực tế, yêu cầu ngăn chặn trong vài trường hợp như bỏ sót thừa kế vẫn được một số đơn vị công chứng linh động xử lý. Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc cho biết văn phòng sẽ cập nhật thông tin ngăn chặn, tạm thời chưa ký giao dịch để chờ đương sự khai nhận thừa kế bổ sung. Việc ngăn chặn này sẽ hạn chế tình trạng chuyển dịch tài sản vi phạm quyền lợi của đồng thừa kế bị bỏ sót.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 1, thông tin thêm ngoài trường hợp bỏ sót thừa kế, phòng cũng linh động xử lý nếu vụ việc có căn cứ rõ ràng. Chẳng hạn như nguyên đơn đã đóng xong án phí, vụ án đã được thụ lý và tài sản tranh chấp sắp bị chuyển dịch nhằm tẩu tán. Theo ông Nguyễn Quang Thắng, trong điều kiện xóa bỏ địa hạt công chứng hiện nay thì nếu bị phòng công chứng này từ chối, đương sự có thể chạy ngay đến phòng công chứng khác. Do vậy, việc chậm đưa thông tin lên mạng ngăn chặn sẽ để lại hậu quả nguy hiểm. Tuy nhiên, trưởng phòng Công chứng số 1 khẳng định đây chỉ là ngăn chặn lưu ý, tức chỉ tạm thời dừng việc công chứng. Tùy nội dung vụ việc, phòng sẽ hướng dẫn người dân liên hệ đúng cơ quan hữu quan để đề xuất yêu cầu ngăn chặn. Văn bản yêu cầu của những cơ quan này mới là cơ sở chính thống để ngăn chặn công chứng.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm