Cần có ban phòng chống rét

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương quy chế hóa các phương án phòng chống thiên tai để có thể hạn chế tối đa các thiệt hại xảy ra do rét, hạn hán, nắng nóng tựa như cách đã làm đối với bão lũ.

Đến chiều 14-2, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 20.000/hơn 76.000 ha lúa xuân bị chết rét. Ở 11 huyện miền núi của tỉnh có gần 1.000 con trâu, bò bị chết rét, trong đó riêng huyện Bá Thước có 585 con. Bên cạnh đó, giá rét còn làm chết hàng chục ngàn con gia cầm các loại; làm chết hàng ngàn hécta lạc, ngô xuân vừa gieo trồng trước Tết Mậu Tý... Tổng thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại ở Thanh Hóa trong thời gian qua ước tính đã lên tới hàng chục tỷ đồng...

Đau xót quá! Để thoát nghèo, nhiều gia đình đã vay vốn ngân hàng mua trâu bò về nuôi. Giờ đây không chỉ mất phương tiện cày cấy, nhiều người còn đứng trước nguy cơ tái nghèo, vỡ nợ.

Đồng ý đây là đợt rét kéo dài kỷ lục và diễn biến bất thường. Song nếu ngay từ đầu chính quyền chủ động đề ra những biện pháp phòng chống, trợ giúp người dân bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của trâu bò, cây lúa và của chính mình... thì các con số thiệt hại có lẽ đã không ở mức cao như thế.

Thôi thì ngay bây giờ, ngoài các chính sách hỗ trợ mà phiên họp vừa rồi của Chính phủ đã bàn bạc, các địa phương cần khẩn trương vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại trong đợt rét vừa qua.

THANH PHƯƠNG (Bình Dương)

Ngoài các ban phòng chống bão lũ thì chúng ta lại không có các ban phòng chống rét. Trong khi đó ở các tỉnh phía Bắc, rét đang trở thành loại thiên tai nghiêm trọng không thua kém bão, lũ.

Nhiều con trâu thay nhau đổ gục vì không thể chịu đựng lâu hơn nữa; nhiều em bé Sa Pa đi chân trần trong mưa lạnh; nhiều người dân đang bị các bệnh cảm lạnh, viêm phổi... tấn công. Khi khả năng chống rét có hạn thì người càng nghèo càng bị nhiều thiệt hại. Nguy cơ trắng tay sau đợt rét đối với không ít người gần như là điều khó tránh khỏi.

Đã đến lúc chính quyền và người dân khắp nơi phải ra tay cứu giúp những người bị nạn. Tương tự như cách khắc phục trong bão, lũ, bên cạnh việc hỗ trợ tiền cho số trâu, bò chết, các địa phương miền Bắc cần tạm thời hỗ trợ cho bà con một phần kinh phí, đồng thời có chính sách khoanh, giãn hoặc xóa nợ cho gia đình có gia súc chết, nhanh chóng giúp người dân vượt qua hoạn nạn.

TRẦN CẢNH (Quận 12)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm