Cảnh báo khi mua sở hữu kỳ nghỉ

Hình thức mua “sở hữu kỳ nghỉ” thời hạn lên đến năm, 10, thậm chí 50 năm mới du nhập vào nước ta vài năm gần đây. Tin tưởng những lời hứa hẹn, ưu đãi hấp dẫn, nhiều người đã đặt bút ký mà không đọc kỹ xấp hợp đồng - có lúc dày mấy chục trang - để sau đó muốn tiếp tục cũng không được mà ngưng lại cũng không xong.

Từ quà tặng đến gánh nặng

Theo anh Lê Vũ Thanh Tùng (quận Gò Vấp, TP.HCM), ngày 14-4 anh nhận được điện thoại báo đã may mắn trúng chuyến du lịch châu Âu bảy ngày, thời hạn hai năm, chỉ cần đến dự hội thảo của công ty để… nhận quà.

Tại buổi hội thảo, anh Tùng liên tục được tư vấn viên mời mua hợp đồng hội viên trị giá hơn 200 triệu đồng của công ty A để đi du lịch trong 20 năm. Nếu ký hợp đồng ngay sẽ được giảm 35%. Anh đồng ý và đóng 40 triệu đồng tiền cọc mà không xem xét kỹ hợp đồng.

“Công ty hứa hỗ trợ visa, đặt vé máy bay nhưng khi tôi nhờ, họ lại nói không thể đáp ứng. Phiếu quà tặng thời hạn chỉ sáu tháng với nhiều điều khoản khó thực hiện. Thấy không ổn, tôi yêu cầu kết thúc hợp đồng nhưng họ không đồng ý và đề nghị cho tôi giảm thời hạn thành viên xuống 10 năm, rồi năm năm để giảm tiền dù trước đó tư vấn nói không có hai gói này. Công ty còn gửi công văn đề nghị tôi trả nốt tiền, nếu không sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để thu hồi nợ” - anh Tùng bức xúc.

Tương tự, ông Hà Công Thành (quận 3) cũng nhận được kỳ nghỉ miễn phí từ công ty B. Ông được chào mời mua kỳ nghỉ ở Mỹ với nhiều ưu đãi như miễn phí khách sạn, chỉ đóng 30% là được đi, có thể chuyển đổi sang nước khác chỉ với 200-500 USD/người, được chuyển nhượng hợp đồng… Ông Thành đồng ý và đã nộp hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng khi ông đăng ký đi Mỹ thì thời gian công ty đưa ra ông không đáp ứng được. Ông chuyển sang đi Dubai thì mức phí chuyển đổi lên đến 950 USD, đăng ký nơi khác thì công ty đều lấy lý do bất khả kháng để từ chối.

Anh Lê Vũ Thanh Tùng trình bày sự việc tại báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: Đ.TRANG

Tiền đã trao, gian nan đòi lại

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, giám đốc công ty A cho biết hợp đồng là sự nhất trí giữa hai bên, anh Tùng không thanh toán đủ tiền nghĩa là anh đang vi phạm. “Chúng tôi gửi đơn đề nghị thanh toán chỉ là quy trình thực hiện chứ không phải đe dọa khách” - vị này nói. Chiều 11-9, anh Tùng đã tới công ty để trao đổi nguyên nhân muốn chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, hai bên không đạt được thống nhất nên phải tổ chức một buổi làm việc khác vào hôm nay (13-9).

Trường hợp ông Thành, ông có nhiều động thái dữ dội như đăng phản ánh lên mạng xã hội, nhiều lần đến đòi tiền… Công ty B đồng ý trả ông 80% số tiền đã đóng. Ngày 25-8 công ty giao 50% số tiền, ông Thành tiếp tục đòi phần còn lại. Đến ngày 8-9, khi PV liên hệ, giám đốc công ty B cho biết sẽ hoàn trả 100% và ngày 11-9 thì việc thanh toán hoàn tất. Công ty B lý giải công ty không sai nhưng khách hàng nói không đủ khả năng tiếp tục tham gia nên đồng ý thanh lý hợp đồng.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhiều khách hàng vì tin tưởng vào lời hứa hẹn bằng miệng của nhân viên tư vấn mà không đọc kỹ hợp đồng, khi đó tất nhiên phần thiệt thuộc về khách hàng. Để tránh tình trạng đó thì phải đọc kỹ hợp đồng, nếu chưa rõ phải tham vấn ý kiến luật sư hoặc người am hiểu pháp lý.

Phần lớn các hợp đồng kiểu này không có điều khoản về điều kiện hủy bỏ hợp đồng. Hơn nữa, để khách hàng chứng minh các công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng để chấm dứt thỏa thuận theo quy định tại khoản 1 Điều 423 BLDS 2015 là rất khó.

Ngoài ra, trong các hợp đồng này cũng không có thỏa thuận về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng nên nếu khách hàng lựa chọn cách này, theo Điều 428 BLDS 2015 thì được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định. Vì vậy, người mua nên thận trọng, suy xét kỹ để tránh bút sa gà chết.

Lưu ý trước khi ký hợp đồng mua dịch vụ:

Đọc, hiểu rõ từng thuật ngữ, điều khoản trong hợp đồng.

Xác định khoản tiền đóng bao gồm dịch vụ nào, phân cấp chất lượng ra sao. Đa số trường hợp chỉ là tiền phòng nghỉ, thậm chí là phòng hạng thấp.

Đặc biệt lưu ý các loại phí phát sinh (phí thường niên, chuyển đổi địa điểm, nâng cấp dịch vụ, thay đổi số người tham gia, chuyển nhượng hợp đồng…).

Trong hợp đồng bắt buộc phải có quy định và trách nhiệm liên quan khi muốn kết thúc hợp đồng.

Thời hạn càng dài, rủi ro càng nhiều.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết đã tiếp nhận đơn khiếu nại của một văn phòng luật sư đại diện khách hàng “tố” một công ty du lịch có dấu hiệu lừa đảo vì bản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mà công ty này ký với khách hàng có những điều khoản vô lý khiến khách hàng “mắc cạn”. Theo cục này, một số dấu hiệu cho thấy việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm