Cấp một giấy để khắc phục xung đột pháp lý

Lý lẽ sát nhập: ở đô thị không thể có hai cơ quan quản lý nền nhà (Sở Địa chính) và cơ quan quản lý nhà (Sở Nhà đất). Kết quả là theo Nghị định 60 năm 1994 của Chính phủ, hàng triệu căn nhà được cấp “giấy hồng” (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở). Phải thấy rằng trong nền hành chính nói chung và thực trạng nền hành chính của nước ta lâu nay, sự phối hợp trên dưới (phối hợp theo chiều dọc) do tính thứ bậc, tính chấp hành có vẻ thuận lợi hơn sự phối hợp theo chiều ngang.

Luật Đất đai năm 2003 và tiếp theo là Nghị định 181 năm 2004 của Chính phủ quy định việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường ở cấp tỉnh để quản lý đất đai và môi trường, còn phần quản lý nhà đưa qua Sở Xây dựng. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm cấp “giấy đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thế thì tài sản thuộc sở hữu cá nhân trên đất và trong lòng đất thì sao? Hai văn bản này đã quy định là ghi nhận (khác với công nhận quyền sở hữu). Hậu quả: người dân khó mua bán nhà vì không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Có ý kiến băn khoăn phải chăng Luật Đất đai và Nghị định 181 đều do cơ quan quản lý đất đai chủ trì soạn thảo, Luật Nhà ở do Bộ Xây dựng soạn thảo cho nên không tránh khỏi việc giành thuận lợi cho cơ quan mình mà không quan tâm nhiều đến các cơ quan quản lý khác, đặc biệt là quyền lợi chính đáng của người dân. Điều đáng tiếc nêu trên đã được cảnh báo ngay trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nhưng lại không được quan tâm đúng mức. Dù biết rằng mọi tài sản nói chung đều gắn liền mật thiết với đất nhưng có một cách đặt vấn đề rộng hơn là tại sao không cấp cho người dân một giấy đăng ký thể hiện các quyền sở hữu gồm cả đất, tài sản trên đất gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các loại tài sản trên đất.

Mong rằng những nhà làm luật nên đổi mới tư duy làm luật để xử lý các mối quan hệ cho hài hòa, tránh tình trạng xung đột pháp lý gây thiệt hại cho dân, bất ổn xã hội.

DIỆP VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm