Cha mẹ phải là gương sáng cho các con

Trong các câu chuyện hằng ngày, thỉnh thoảng tôi cứ thằng này, con nọ hoặc ổng, bả mà quên là thằng nhóc đang ở trước mặt. Vậy là một thắc mắc được nêu ra: “Sao cách nói chuyện của ba không giống như cô mẫu giáo dạy?”. Sau mấy lần như vậy, tôi cố gắng ý tứ hơn, nhất là khi đang ngồi cùng với con. Chính vì kịp thời chủ động khắc phục nên sau này khi nghe cháu gọi thầy, cô giáo là ông này, bà nọ, tôi đã mạnh dạn nhắc nhở mà không cảm thấy hổ thẹn.

Cha mẹ phải là gương sáng cho các con ảnh 1

Viết lời yêu thương. Ảnh: HTD

Còn nhớ nhiều năm trước đây nhà hàng xóm có cho thuê làm tiệm bi da. Hằng ngày phải bấm bụng nghe tiếng cự cãi, chửi thề của khách hàng, tôi cứ sợ thằng bé sẽ bị ảnh hưởng và có thể bắt chước. Thế là tôi đã dành nhiều thời giờ tỉ tê với thằng bé rằng điều đó là xấu, là không nên làm; rằng ông nội, ông ngoại, ba và các chú không bao giờ chửi thề... Đáng mừng là đến giờ, khi đã thành thiếu niên thì con tôi vẫn chưa phạm lỗi này.

Theo thời gian, các bài học rất “đời” về kỹ năng sống, về cách đối nhân xử thế... và sự tự giác thực hiện thường xuyên của vợ chồng tôi đã thẩm thấu vào con trẻ. Đi chơi công viên, bao giờ cháu cũng ráng tìm thùng rác để bỏ hộp sữa đã uống xong. Nhặt được tiền rơi trong trường, cháu nộp ngay cho cô giáo với suy nghĩ “Không phải của mình thì đừng lấy”. Chưa biết lúc trưởng thành thì sao nhưng hiện tại cháu khăng khăng “sẽ không hút thuốc giống như ba vì có hại cho sức khỏe và dễ làm phiền người khác”!

Cũng như số đông, tôi và vợ tôi luôn thấm thía điều này: “Nuôi con tuy vất vả nhưng không khó bằng dạy con!”. So với việc quát mắng, đánh đập thì việc mềm mỏng giảng dạy, uốn nắn và trên hết là bản thân người lớn phải làm gương sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Cứ thế, chúng tôi tạo được cho con sự tự tin, biết phát huy những ưu điểm và tìm cách hạn chế, khắc phục các khuyết điểm. Cũng có thể thế hệ trẻ bây giờ có nhiều điều kiện thuận lợi để đến với cái mới nhưng chúng tôi rất mừng khi thấy con không học vẹt, có nhiều hiểu biết về xung quanh, biết yêu cái tốt và biết ghét cái xấu...

Đã có không ít lần tôi chứng kiến nhiều bà mẹ, người cha liên tục chửi bậy trước mặt con, hoặc gọi con mình bằng những từ hết sức tục tĩu. Có nhiều người còn xúi con trẻ công khai thực hiện các hành vi sai trái. Chắc chắn những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình như thế sẽ rất khó thành người. Tôi nghĩ vậy và tôi tin rằng nếu cha mẹ biết nỗ lực tự học, tự tu thân để trở thành người tốt thì các con sẽ trở thành một con người bình thường theo đúng nghĩa tích cực của nó.

TRẦN HÙNG (nguyentranhung... gmail.com)

Sống yêu thương để nhận yêu thương

Cha mẹ tôi không sống bằng nghề cho vay nhưng vài người vẫn cứ đến nhà tôi để hỏi vay tiền. Ngày còn nhỏ, hễ thấy những gương mặt có vẻ muốn mượn tiền đến nhà là tôi phát cáu vì tôi không thích họ.

Thường thì những người đó được cha mẹ tôi cho mượn tiền và trả lại mà không cần tính lãi. Với những người biết rõ không có khả năng trả, cha mẹ tôi không cho mượn nhưng lại cho họ một số tiền nhỏ hơn khoản tiền họ đang muốn. Lần nọ, tôi nằng nặc đòi theo chân cha mẹ đến nhà một người mượn tiền mà dằng dai không chịu trả. Tiếp cha mẹ tôi, cô ấy kể khổ kể sở về những thất bát trong công chuyện làm ăn, rồi thì con đau chồng ốm. Thấy thương, cha mẹ không đòi nợ nữa, lại còn móc túi dúi cho họ ít tiền mua thuốc.

Tôi đã từng rất ghét những con người đó vì họ làm phiền cha mẹ tôi. Đồng tiền cha mẹ tôi có được là đồng tiền mồ hôi nước mắt, là thành quả của những tháng ngày thức khuya dậy sớm để lao động vất vả. Cha mẹ tôi cũng bắt đầu từ hai bàn tay trắng, cũng hằng đêm vắt tay lên trán rồi ngủ thiếp đi trong nỗi lo lắng về bữa cơm ngày mai. Cha mẹ tôi cũng có những đứa con. Con của cha mẹ tôi cũng có lúc oặt ẹo đau ốm. Vậy mà cha mẹ tôi vẫn cứ cố gắng vượt qua khó khăn chứ chưa hề than vãn lấy nửa lời. Cha mẹ tôi làm được thì tại sao họ lại không làm được?

Nhiều lúc, tôi giận hờn vì cha mẹ cứ lại cho người ta mượn tiền mà chẳng biết bao giờ mới được trả. Hiểu tâm lý con, mẹ xoa đầu tôi thủ thỉ: “Người tự trọng sẽ chẳng bao giờ ngửa tay xin tiền ai. Cực chẳng đã họ mới phải tìm đến mình. Một khoản tiền nhỏ của mình có thể giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt. Cha mẹ không giàu nhưng vẫn còn có thể làm ra tiền, giúp họ chút đỉnh là chuyện đáng làm, con ạ!”.

Cái đầu bướng bỉnh của tôi thoạt đầu vẫn chưa chịu thấm lời dạy ấy. Hồi tôi học lớp 10, cô giáo dạy lớp 3 của tôi tìm đến nhà. Chưa bao giờ cô tìm đến nhà tôi như thế. Dáng cô mảnh khảnh. Khuôn mặt người phụ nữ tuổi 40 hằn lên những nếp gấp héo hon như một chiếc lá úa. Ngập ngừng hồi lâu, cô kể đã bị trộm mất giỏ trong buổi chợ sáng. Tiền bán giò chả buổi sáng đã mất hết theo cái giỏ ấy. Đã quá trưa và cô không dám về nhà vì sợ bị chồng đánh. Cô muốn mượn ít tiền để chồng cô khỏi biết và hứa sẽ trả sớm. Mẹ tôi đồng ý và nói cô không cần trả lại.

Hãy biết sống yêu thương để được đáp lại bằng tình yêu thương. Đó là nếp sống đẹp mà cha mẹ đã dạy cho tôi từ khi còn bé bằng những hành vi cụ thể và nó sẽ theo tôi suốt cuộc đời.

(Nhân đọc bài “Dạy mình để dạy được con” trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 18-12).

LÊ UYỂN NHI (Quận Gò Vấp, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm